Выбрать главу

Alexandre Grin

Cánh buồm đỏ thắm

Chương 1: Lời tiên đoán

Lông-gren là thuỷ thủ của con tàu “Ô-ri-on” chở được ba trăm tấn. Anh đã làm việc trên con tàu đó mười năm và gắn bó với nó có lẽ còn thân thiết hơn là con với mẹ. Nhưng cuối cùng thì anh phải bỏ con tàu.

Chuyện xảy ra như thế này. Vào một trong những chuyến về thăm nhà hiếm hoi, anh không thấy chị Mê-ri, vợ anh, từ xa đứng trên ngưỡng cửa vẫy vẫy tay, rồi sau đó chạy tới đón anh, thở hổn hển chừng như đứt hơi. Bên chiếc giường trẻ con — đồ vật mới trong căn nhà nhỏ của Lông-gren — anh chỉ thấy bà hàng xóm với dáng vẻ đầy xúc động.

— Đã ba tháng rồi tôi phải chăm sóc nó đấy, — bà hàng xóm nói, — anh hãy nhìn con gái anh đi!

Lông-gren lặng người, cúi xuống đứa trẻ tám tháng đang chăm chăm nhìn bộ râu dài của anh, rồi anh ngồi xuống, đầu cúi, tay vân vê bộ râu. Râu anh ướt đầm vì mưa.

— Mê-ri chết bao giờ hở bác? — anh hỏi.

Người đàn bà kể lại câu chuyện buồn thảm, chốc chốc dừng lại nựng đứa bé và quả quyết rằng Mê-ri đã được lên thiên đường. Khi Lông-gren biết rõ câu chuyện thì thiên đường đối với anh chẳng sáng sủa hơn nhà chứa củi là bao nhiêu, và anh nghĩ rằng nếu như bây giờ có cả vợ anh thì ánh lửa của chiếc đèn nhỏ có thể là một niềm vui không gì thay thế được đối với người phụ nữ đã đi vào xứ sở huyền bí.

Chừng ba tháng trước, người mẹ trẻ gặp phải chuyện không may. Hơn nửa số tiền Lông-gren để lại, Mê-ri đã tiêu tốn vào việc chữa chạy sau lần đẻ khó, vào việc chăm sóc sức khoẻ cho đứa trẻ sơ sinh. Thêm nữa, Mê-ri lại đánh mất một số tiền tuy không nhiều nhưng rất cần cho cuộc sống của hai mẹ con. Hoàn cảnh khó khăn đó đã buộc Mê-ri phải đến nhà Mê-néc vay tiền. Mê-néc là chủ quán rượu, có một cửa hàng tạp hoá nhỏ. Y được coi là kẻ giàu có.

Mê-ri đến nhà y vào lúc sáu giờ tối. Gần bảy giờ, bà hàng xóm gặp chị trên đường đến thị trấn Li-xơ. Mê-ri vừa khóc vừa buồn bã kể rằng chị phải đi lên phố để cầm chiếc nhẫn cưới. Chị nói thêm rằng Mê-néc đồng ý đưa tiền cho chị, nhưng đòi chị phải yêu hắn. Mê-ri đành về không.

— Nhà cháu không còn gì ăn, bác ạ! — chị nói với bà hàng xóm — Cháu phải đi lên phố cố kiếm về ít tiền, rồi hai mẹ con gắng lần hồi cho đến khi nhà cháu về.

Tối hôm đó trời vừa rét vừa có gió thổi, bà hàng xóm đã không ngăn được Mê-ri đi lên phố vào ban đêm. “Cháu sẽ bị ướt, Mê-ri ạ, trời đang lất phất mưa, cứ cái điệu gió này thì trời sắp mưa to đấy!”

Từ làng ven biển lên thị trấn Li-xơ cả đi lẫn về nhanh cũng mất ít nhất ba giờ, nhưng Mê-ri không nghe theo lời khuyên của bà hàng xóm. “Thôi, cháu không muốn quấy quả các bác nữa, — Mê-ri nói, — gần như nhà nào cháu cũng từng vay bánh mì, chè hay bột. Đem cầm chiếc nhẫn này là xong thôi bác ạ”. Mê-ri đi lên phố về, đến hôm sau thì lên cơn sốt cao, mê sảng. Trời đêm lạnh giá đã làm chị bị viêm phổi nặng — theo lời ông bác sĩ trên phố được bà già tốt bụng mời về cho biết. Một tuần sau, chiếc giường đôi của Lông-gren đã trống không, bà hàng xóm đã dọn sang nhà anh ở để chăm sóc trẻ. Đối với một người đàn bà goá bụa cô đơn như bà thì việc đó không khó. “Thêm nữa — bà nói tiếp, — không có đứa bé ấy thì cũng buồn”.

Lông-gren đi lên phố, thôi việc, từ biệt bạn bè rồi trở về nhà nuôi nấng bé A-xôn. Khi đứa bé đi chưa vững thì bà hàng xóm còn ở lại trong nhà Lông-gren, thay thế người mẹ quá cố chăm sóc nó. Nhưng khi A-xôn đi vững, bước qua được ngưỡng cửa thì Lông-gren quyết định sẽ tự mình nuôi dạy đứa trẻ. Anh cám ơn bà hàng xóm đã tận tình giúp đỡ anh. Rồi từ đấy, anh sống cuộc đời cô đơn của người goá vợ, tập trung tất cả ý nghĩ, hi vọng, tình cảm và kỷ niệm của mình vào đứa trẻ.

Mười năm sống nay đây mai đó chỉ đem lại cho anh một số tiền rất nhỏ. Anh bắt đầu làm việc. Ít lâu sau, trong những cửa hiệu trên phố đã thấy bày bán những đồ chơi do chính tay anh khéo léo làm ra — những chiếc thuyền nhỏ, xuồng máy, thuyền buồm một boong, hai boong, tàu thuỷ, tàu tuần dương, tóm lại tất cả những gì anh đã gần gũi, những gì trong khi làm việc đã phần nào thay thế cho anh cuộc sống ồn ào ngoài cảng, thay thế được lao động đầy thơ mộng của những chuyến đi biển. Bằng công việc đó, Lông-gren đã kiếm tiền để hai bố con có thể sống một cách tằn tiện. Vốn là người ít giao du, sau khi vợ mất, Lông-gren lại càng trở nên kín đáo, ít cởi mở hơn. Vào những ngày lễ, thỉnh thoảng người ta thấy anh trong quán rượu, nhưng anh không bao giờ ngồi mà chỉ vội vàng uống một cốc rượu ngay tại quầy rồi ra về, đáp lại lời thăm hỏi của mọi người một cách vắn tắt: “Xin chào”, “Tôi đi nhé”, “Vâng”, “Cũng thường thôi”. Anh không thích tiếp khách. Khi có khách, anh khéo léo tỏ ý muốn họ về bằng những lời nói bóng gió xa xôi hay những cớ do anh tưởng tượng ra. Những lúc ấy, khách chỉ còn cách là nghĩ ra một lý do nào đó để cáo từ. Phần anh cũng không thăm ai, vậy là giữa anh và dân làng có cái gì đó lạnh lùng ngăn cách. Nếu như việc làm đồ chơi của anh phụ thuộc nhiều vào công việc của dân làng thì quan hệ như thế có thể đem lại cho anh nhiều khó khăn. Thức ăn dự trữ và các thứ hàng cần thiết anh mua trên thị trấn Mê-néc không thể khoe khoang được rằng Lông-gren đã mua hàng ở cửa hiệu của y, dù chỉ là một bao diêm. Anh tự mình làm mọi việc trong nhà và tỏ ra rất chịu khó nuôi dạy con gái, một việc vốn phức tạp, không phải của đàn ông.

A-xôn đã lên năm tuổi. Khi em ngồi trên đùi Lông-gren, chăm chú mân mê chiếc cúc áo gi-lê hay ngộ nghĩnh hát những bài ca thuỷ thủ, Lông-gren thường dịu dàng cười với con. Qua giọng hát con trẻ, những bài hát ấy gợi nhớ đến con gấu thắt đai xanh đang vụng về nhảy múa. Vào thời gian đó có một chuyện xảy ra bao trùm bóng đen lên cả hai bố con.

Dạo ấy là đầu mùa xuân, thời tiết còn khắc nghiệt như mùa đông, nhưng theo một kiểu khác. Khoảng ba tuần liền, gió bấc từ phía biển thổi mạnh về miền đất lạnh.

Thuyền đánh cá được kéo lên bờ, xếp thành dãy dài trên bãi cát trắng tựa như vây lưng những con cá khổng lồ. Không ai dám đi biển lúc tiết trời như thế. Trên con đường duy nhất ở làng chẳng mấy khi gặp người nào rời khỏi nhà. Cơn lốc lạnh lẽo từ những ngọn đồi ven biển thổi thốc vào chân trời trống trải, biến không trung thành một trò tra tấn khắc nghiệt. Suốt từ sáng đến tối, khói tỏa trên những mái nhà dốc đứng trong làng Ca-péc-na.