Chú Hai cóp nhặt được số tiền đem đưa cho bà Hương Quý nhờ bà lo việc cưới xin. Nhờ bà Hương Quý, mọi lễ nghi đều được miễn giảm. Bên nhà trai chỉ ông Hương Quý về dự.
Chú Hai đã ra giấu tông tích ở cù lao Chàm. Những hôm tạnh trời chú nhìn ra xa, rất xa về phía đất liền, lòng chú nao nao, bao nỗi nhớ thương dâng lên cuồn cuộn.
Hơn một năm sau, thằng Cù Lao ra đời. Tiếng khóc của nó hoà lẫn với tiếng sóng đại dương. Nó lớn lên giữa bao la trời biển. Lên ba, mẹ nó mất giữa một đêm giông bão. Hồi đó nó đã biết chạy chơi trên bãi cát trắng. Năm tuổi, nó tập đùa nghịch với sóng. Tám tuổi, nó tập đi khơi. Mặt trời và nước biển làm da nó đen kịt, thịt xương nó quánh lại. Đã mười hai tuổi nhưng người nó bé tí tẹo như đưa lên chín lên mười. Khoảng rộng đã làm đôi mắt nó hoá tinh. Nó nhìn thấy một đàn chim én bay lẫn trong mây không ai thấy được. Cho đến Tổng khởi nghĩa! Ở ngoài cù lao Chàm, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Các uỷ ban được thành lập. Chú Hai nhận ra một việc kì diệu: biển cả không còn là nơi cách biệt. Con đường về làng từ lâu bị cắt đứt bỗng nhiên nối lại. Con sông Thu Bồn, bỗng thấy gần đâu đây. Chú Hai biết rõ cơn bão táp dữ dội đã quét sạch mây mù ở quê. Đất đã lành, chim bay về tổ cũ. Chú Hai dắt thằng Cù Lao lên thuyền. Thuyền rẽ sóng bay về Cửa Đại. Chú lên phố Hội An rồi vội vã thuê đò về ngay Hoà Phước.
Chú Hai Quân và thằng Cù Lao đã về ở với anh chị Bốn Linh. Nhà tôi với nhà anh Bốn Linh chỉ cách nhau một cái vườn. Ngồi ở nhà tôi thấy đàn gà đang bới ở nhà anh Bốn. Ra vào, tôi thường gặp thằng Cù Lao. Tôi biết nó muốn làm thân với tôi. Thật bụng tôi không thích chơi với nó. Không phải tôi muốn đòi hỏi gì, nhưng nom nó buồn cười quá. Chỉ cái mũ nhiều màu và cái quần có quai của nó cũng đã làm cho bọn trẻ cười bò. Lại còn tiếng nói của nó trọ trẹ, đầu nó lại trọc lóc, thì bảo đứa nào muốn gần nó?
Những việc tôi làm dễ như chơi, thằng Cù Lao xem như việc phi thường dưới trần này chỉ có tôi mới làm nổi. Được nó thán phục, tôi càng ra mặt tài giỏi. Thường lúc lên lưng trâu, tôi trèo đằng hông, hai tay cố bíu vào sống lưng trâu, một chân đặt vào khuỷu chân trâu, lấy đà trèo lên. Nhưng khi có thằng Cù Lao, tôi lại lên đằng đầu. Tôi nhảy lên ngồi trên đầu trâu Bĩnh giữa hai cái sừng nhọn hoắt, sau tôi mới nhảy lên lưng trâu. Thằng Cù Lao nhìn tôi, lắc đầu phục lăn phục lóc:
- Tui không làm nổi!
Tôi hỏi:
- Thế sao tao làm được?
Nó cứ trầm trồ là ở đây ai cũng giàu, cũng nhiều đồ dùng, nhiều của. Cái gì nom cũng lạ, khác chỗ nó ở, chỉ thấy lưới với thuyền. Thuyền nào cũng giống như nhau cả. Ông Kiểm Lài làm nghề tráng bánh đa, nghèo xơ xác, nó cũng cho là giàu, vì ông có nào cối xay bột, nồi tráng bánh, cái sấy bằng tre, mành bằng nan. Nó cho anh Bốn là người giàu nhất, vì anh có đến hai mươi cái nong, bảy cái nia, một cái đuổi để tằm. Ngoài hè còn nào là cây chống, nẹp tre. Giỏ tre cái nào cũng to bằng vại muối mắm. Cả bà Hiến nghèo cháy gắp nó cũng khen nhà bà có lắm cái đẹp. Bà có một tờ tranh in hình hai ông Tây. Một ông có râu, một ông không râu, hai người đang cầm li rượu mời nhau uống. Xung quanh nhà bà có vô số những chum vỡ, lọ vỡ, ống bơ, những đồ người ta vứt đi, bà Hiến nhặt về, thằng Cù Lao nhìn nhìn ra vẻ thích thú. Một hôm nó chạy về thở hổn hển. Nó cho biết nó vừa thấy hai cái che ép mía ở nhà ông Tư Trai.
- Thế mày thấy cái phủ đặt trên đầu ông che chưa?
Nó lại chạy sang nhà ông Tư Trai hỏi cái phủ. Bọn chó thấy nó đội cái mũ lạ lạ xông ra đuổi cắn.
Tôi hùa theo bọn chăn trâu trêu nó:
- Này Cù Lao, bọn chăn trâu nói mày là mọi có đuôi đó!
Nó cười thản nhiên:
- Ừ, có một cái đuôi thì tôi thiệt thích! Được một cái đuôi dài như đuôi ngựa, phất qua phất lại mà hay!
Nói xong nó cười hì hì ra vẻ khoái trá.
Tôi nói thẳng:
- Chúng cho mày là dân dã man uống nước bằng lỗ mũi đó.
- Uống nước bằng lỗ mũi! Phải tập lâu mới uống được chớ! Uống được bằng lỗ mũi thì được vào làm xiếc, sang trọng lắm!
Tôi ngờ ngợ thấy thằng Cù Lao nói có lí. Giả sử tôi có một cái đuôi và uống nước bằng lỗ mũi thì sẽ được mọi người trầm trồ, chẳng có gì dã man cả.
Hôm chú Hai Quân và thằng Cù Lao vừa về, anh Bốn Linh hứa với ông Bảy Hoá sẽ giết lợn cúng mừng. Tưởng anh nói chơi, té ra anh làm thật. Anh Bốn có một con lợn. Lúc mới mua về, nó bằng bắp chân, gầy giơ xương, nằm ép trong một cái rọ. Thức ăn thừa, chị Bốn dồn hết cho nó. Cách biệt đãi như vậy đã làm chó Vện tức lộn ruột. Nó đứng nhìn lợn ăn, cặp mắt nảy lửa. Hễ gặp chị Bốn đâu con lợn cũng kêu ụt ịt, cái đuôi giống con giun càng ngúc ngoắc. Nó theo chị Bốn đi vào buồng, lên nhà trên. Nó còn cả gan đi ngang trước bàn thờ. Hễ chị Bốn sờ đến, nó liền nằm duỗi chân, mắt nhắm lại. Chị Bốn lấy ngón chân chọc vào hông nó. Nó bảo:
- Chớ chọc, chớ chọc!
Nó lớn lên như thổi. Sau nó đổ đốn không giữ vệ sinh. Chị Bốn phải tống nó vào chuồng. Anh Bốn bảo nhân dịp chú Hai về làng, nên bày tiệc mừng, mới bà con nhậu một bữa:
- Mấy lâu này mình vác miệng đi ăn của nhà khác cũng nhiều! Ai chớ ban chỉ huy dân quân phải mời hết, vì mình cũng là chỉ huy.
Chị Bốn tuy lòng dạ rộng như biển, nhưng giá làm thịt con lợn nhỏ bằng nửa con lợn nhà thì vẫn hơn. Gặp bác Úc, bác Úc mách nước:
- Họ Nguyễn nhà mình trước đây lép vế quá! Nay đã mở mày mở mặt. Anh Sáu đã làm nên. Trong họ, có đứa làm ở cấp huyện, cấp xã, nay chú Hai về, làm tiệc cũng phải. Nhưng làm vừa vừa, phải luôn luôn giữ chữ cần, chữ kiệm. Đem bán quách con lợn cho bọn hàng thịt, ta chia lại nửa. Vậy cũng đủ. Nhà tao và nhà con Ba làm vài thứ bánh. Tốt lắm rồi!
Bác Úc còn dặn:
- Chẳng nên nói cúng mừng cúng miếc gì cả. Nói có đám giỗ mời bà con đến uống rượu, vậy thôi!
Chị Bốn lấy nếp ra hông. Anh Bốn đi tập tự vệ về nhà chưa kịp đặt cây côn đã vác búa ra sân bửa củi. Nhà cửa quét dọn sạch sẽ, bàn thờ lau chùi sạch bóng. Cối chày nồi niêu nhà tôi và nhà chị Bốn cứ lịch kịch lốc cốc. Tôi nói với thằng Cù Lao:
- Mày về làng sướng chưa? Được tiếp như vua Bảo Đại!
Tôi đang chờ đợi một sự kiện lớn xảy ra. Nhà tôi đóng góp vào bữa tiệc một khay xôi ngọt. Tôi được chị Ba giao việc giã nếp. Tôi giã hăng đến nỗi chị Ba phải giật chày bắt thôi, vì nếp đã trắng quá. Chị Ba vuốt nếp, hông xôi, nấu đỗ, trộn vào nhau, xéo với đường làm món xôi ngọt. Chị Ba bới tất cả vào một cái khay, ép xôi lại, rắc vừng. Mùi thơm của xôi bay ra, tưởng không có mùi thơm nào thơm hơn được. Tôi ngồi nhìn. Chợt tôi gọi chị Ba khe khẽ: