Выбрать главу

- Chị Ba! Chị coi có miếng cháy...

Chị Ba quắc mắt:

- Đồ để cúng mà mày định ăn trước hả?

- Một miếng cháy nho nhỏ thôi.

Chị Ba càng la to:

- Không có miếng cháy nào cả!

Làm món xôi ngọt xong, chị Ba còn làm giúp bác Úc món bánh giò. Chị vuốt nếp, hông đỗ, lấy lá dong gói thành những chiếc bánh vuông vức to bằng đầu gối. Chị Bốn lấy ra một bó vải sợi, vác thang ra vườn chặt ba trái mít, đem đi chợ bán để sắm hương đèn mắm muối. Tôi cùng đi chợ để gánh giúp cho chị Bốn. Anh Bốn cho thằng Cù Lao cùng đi theo.

Tôi với chị Bốn mỗi người gánh một gánh nhẹ đi trước. Thằng Cù Lao theo sau. Ra khỏi bờ keo vườn bác Úc, con đường hoá thênh thang. Bên trái là bãi dâu trải ra lớp lớp. Dọc đường, chốc chốc một hồ nước hiện ra như một tấm gương sáng quắc. Quanh hồ, những bụi tre xanh nghiêng nghiêng trên nước. Đường vào chợ càng rộn rịp. Gặp nhau ai cũng hỏi han chào đón. Chị Bốn khen:

- Độ rày đi chợ sướng lắm! Ăn mày, ăn cắp bỏ nghề đi đâu mất!

Chị Bốn lo bán vải sợi trước. Bạn hàng từ Bảo An lên mua sợi đi một hàng dài. Người nào cũng có một cái cân móc trên khuy áo trước ngực, trên vai vắt một khăn vuông to. Cuộn sợi nào cũng được người mua sờ bóp, được vạch ra xem rồi bị chê là sợi chưa nhỏ chưa đều. Cái khăn vải vắt vai của người mua phồng dần to bằng quả bưởi, sau to bằng cái cối. Bán vải xong, chị Bốn rẽ sang hàng hoa quả. Mít chất thành đống, có trái to bằng cái lu. Người mua lấy tay vỗ về. Bà hàng mít cầm con dao to, cắt phầm phập thành từng miếng hình lưỡi búa. Mít nghệ múi vàng hườm. Mít dừa múi trắng bạch. Mít dai hay mít mật mùi thơm đều thơm ngát. Bí với dưa gang gánh đến hàng giỏ. Bà bán hoa quả thấy thằng Cù Lao đội cái mũ nồi lạ lạ, liền nhặt đưa cho nó hai quả ổi nếp, hỏi thăm có phải nó ở Lục Tỉnh về không. Ai cũng tốt bụng, cũng muốn cho người khác một vật gì. Mọi người trong chợ đều vui vẻ. Ngay cả mụ Búp, mụ Xù trước đây hay gay gổ, chuyên nghề đánh cắp thịt cá, cũng trở nên hoà nhã hiền lành.

- Mình là dân nước độc lập, Cách mạng lên rồi, "xớ" thịt cá của bà con chi nữa!

Chị Bốn đứng trước đống dứa Chiên Đàn ngọt nổi tiếng. Cầm lòng không đậu, chị mua chục quả về bỏ mắm. Chị mua cho thằng Cù Lao một chùm lòn bon ăn cho biết. Lòn bon rất quý, trước Cách mạng chỉ để dâng vua. Chợ có chỗ bán tranh tre, than củi. Các bà bán than mặt mày đen thui. Những chú bán tre chân tay bị gai cào xây xát. Dây dừa khoanh thành khoanh. Dầu rái đựng thành gàu. Chè tươi bó thành bó. Ngô khoai vừng đỗ phơi đủ màu sắc. Thằng Cù Lao dừng trước hàng cá biển, nhìn chằm chằm, miệng há hốc. Không ngờ những loài vật nó thường vọc, thường bị kẹp, ở đây đều có đủ. Từ những con cua lớn tuy bị trói chặt nhưng vẫn ngo ngoe, những con tôm hùm lắm râu lắm càng, cho đến các loại cá cơm, cá nhám, cá chim, cá sòng sắp đầy mẹt đầy rổ. Thằng Cù Lao tưởng thấy lại mùa cá ở biển. Chúng tôi kéo sang hàng bán bánh đầy hấp dẫn. Bánh nậm bột mịn, nhân tôm sắp thành chồng. Bánh ú, bánh gio gói lá dong buộc thành chùm. Bánh bèo đổ trên bát, bát nào cũng nhẫy mỡ, rắc đầy nhân thịt với tôm. Bà bán bánh xèo đổ bột vào chảo chốc chốc nghe "xèo". Bà bán bánh đa phe phẩy chiếc quạt tre, trở cán quạt ép bánh vào nồi lửa, bánh phồng giòn tan. Các cô hàng xén đến chợ chỉ gánh một gánh trên vai. Gánh đặt xuống biến thành cả một quầy hàng, hai đầu gánh lắp không biết bao nhiêu là mủng, cái nhỏ lắp trong cái lớn, đựng đủ các thứ trên đời, từ cây kim sợi chỉ, bánh xà phòng, mớ bồ kết, cho đến tiêu, hành, tỏi, ớt, hương, đèn, giấy mã, không sót thứ gì. Dù ai đã đi khắp thiên hạ, đọc hết sách vở, nhưng nếu chưa đến thăm chợ Quảng Huế thì trình độ vốn hiểu biết vẫn còn thấp.

Chj Bốn mua mắm muối, dầu lạc, dầu dừa, thứ nào cũng chỉ đùm trong lá chuối hơ lửa, không biết bao nhiêu là đùm to nhỏ, chẳng cần phải chai lọ lỉnh kỉnh phiền phức.

Tôi và thằng Cù Lao dạo chơi quanh chợ. Ở góc chợ là hiệu thuốc bắc. Tôi chỉ cho thằng Cù Lao thấy bức tranh vẽ một người trần truồng bị hàng trăm cây kim đâm vào đầu, vào tim, vào bụng. Thằng Cù Lao không hiểu người đó bị tội gì mà phải chịu một nhục hình ghê sợ vậy. Tôi giảng cho nó biết, đó là hình vẽ những huyệt trong thân thể người ta. Ai cũng có trăm thứ bệnh, chỉ cần lấy kim chích vào những huyệt đó thì bách bệnh sẽ tiêu tan. Trên một cái tủ đầy những hộc, tôi chỉ cho thằng Cù Lao thấy ba ông phúc, lộc, thọ làm bằng sứ. Ông nào trông cũng phương phi, cũng có vẻ thản nhiên phớt lờ. Đối với họ, chợ Quảng Huế đông hay không đông, thằng Cù Lao có đội mũ nồi hay không đội mũ nồi là điều không cần biết đến. Tôi dẫn thằng Cù Lao lượn qua chỗ bán chiếu, chỗ bán nồi đất, các quán bán mì quảng, nhìn ngang nhìn ngửa cốt để khoe với thằng Cù Lao cái hay cái lạ bày trong chợ.

* * *

Lúc quay về nhà, trời đã xế. Đến tối, lợn đã mổ xong. Bà con đến giúp việc nấu nướng đều có mặt. Tất cả nồi niêu bát đĩa nhà tôi và nhà bác Úc đều được đem ra, gánh về nhà anh Bốn. Tiếng giã giò lốp bốp. Tiếng băm thịt lốc cốc suốt đêm. Lửa bếp sáng tận ngoài bờ tre. Chị Ba, chị Bốn hết hỏi món này đã giã hành chưa, món nọ đã rắc tiêu chưa, lại gọi tôi và thằng Cù Lao sai múc nước, lấy củi, khêu đèn, đánh chó. Các chị thò đũa vào nồi để khuấy. Hết khuấy lại ngửi, lại nếm. Lúc trời sáng, anh Bốn giao tôi đi mời khách trong làng. Anh Bốn mượn sẵn cho tôi cái áo dài đen. Cách đi đứng của tôi hoá khác. Bọn chó thấy tôi ăn mặc lạ lạ nổi sủa rất dữ. Tôi dắt thằng Cù Lao đi theo. Hễ gặp khách phải mời, tôi khoanh tay trước ngực lặp lại lời anh Bốn dặn:

- Hôm nay nhà anh Bốn Linh tôi có giỗ, nhân cũng để mừng chú Hai tôi về làng, mời bác đúng giờ ngọ lại nhậu rượu!

Đi hết xóm trên, tôi ra ngoài vạn để mời ông Hoạt. Ông Hoạt đang ngồi trong thuyền. Tôi không thể đứng khoanh tay, phải chui vào thuyền, phải ngồi xếp lại nên gặp nhiều lúng túng. Ông Hoạt đang nói chuyện với ông Mười Ý. Ông Mười Ý hỏi to:

- Mày mời ông Hoạt, thế có mời tao không?