Выбрать главу

Tôi không biết nên giải quyết thế nào. Nhớ rõ anh Bốn không dặn mời ông Mười Ý, tôi nói dứt khoát:

- Không mời.

Cả thuyền cười ồ.

Chui ra khỏi thuyền ông Hoạt, tôi đến xóm giữa để mời ông Bảy Hoá.

Tôi sực nhớ ông Bảy vừa mua đâu về một con chó mun rất dữ. Phen này thấy tôi xúng xính trong chiếc áo dài, chắc nó không tha. Tôi sợ chó cắn, cái sợ tăng dần. Tôi quay lại gạ thằng Cù Lao:

- Mày biết ông Bảy Hoá không?

Nó trả lời liến thoắng:

- Ngày bữa gì, ông Bảy Hoá có một vết sẹo trong mông.

Nghe nói chuyện lạ vậy, tôi bực mình nói xẵng:

- Cái vết sẹo đó có trời biết! Tao biết ông Bảy Hoá có râu thôi.

Nhưng nghĩ đến con chó dữ của ông Bảy Hoá, tôi dịu giọng:

- Thôi được. Áo dài đây, cho mày mời ông Bảy một cái cho sướng!

Tôi vừa nói vừa cởi áo dài đưa cho thằng Cù Lao. Nó sướng ra mặt vì nó cũng thích được đi mời như tôi.

Thằng Cù Lao vào nhà ông Bảy. Tôi ngồi đợi ngoài ngõ. Đợi mãi chẳng thấy nó quay ra, tôi buộc phải gọi to. Con chó mun của ông Bảy chạy vụt ra, thấy tôi thập thò, nó xông vào đuổi cắn.

Tôi phải vừa bước thụt lùi vừa chống đỡ. Một lúc sau thằng Cù Lao mới chịu hiện ra. Nó còn khoe với tôi là nó được ông Bảy đãi mít. Sau khi ăn mít, nó còn được xem tranh vẽ Thập Điện Diêm Vương trên bàn thờ thần trong nhà ông Bảy.

* * *

Khi tôi và thằng Cù Lao quay về đến nhà, cỗ bàn đã dọn sẵn. Khách khứa đến đông đủ.

Anh Bốn Linh, khăn áo chỉnh tề, thắp hương đèn bắt đầu làm lễ. Tôi đang chờ anh Bốn bái hai bái rồi thụp xuống lạy như mọi khi. Nhưng anh Bốn đứng yên, hai tay buông thõng, cúi đầu nhắm mắt. Chợt anh ngẩng lên nói oang oang:

- Thưa bà con cô bác, thôn Hoà Phước chúng ta thiệt đáng tự hào! Xưa kia có ông Bùi Kiệt theo đảng Cần Vương bỏ nhà ra đi mưu đồ việc lớn. Ai cũng tưởng ông bị Tây giết. Vừa rồi mới biết ông thoát lên núi. Con cháu của ông còn sống ở Dùi Chiêng. Sau hôm cướp chính quyền, cháu nội của ông là ông Hội Hiệt về đây tìm lại họ hàng tông tích. Như vậy cách mạng đã trả lại làng xóm tổ tiên... Chú Hai Quân chúng tôi trước đây không chịu áp bức, bỏ làng ra đi, bụng dạ luôn luôn hướng về cách mạng. Nay nước nhà độc lập. Đất lành chim bay về đậu. Về đây chú thấy bà con ai cũng tham gia cách mạng, vui đó không chi sánh kịp. Hôm nay nhà có giỗ, lại có chú Hai chúng tôi về, mời bà con đến cầm chén rượu nhạt...

Chợt anh Bốn Linh vung cao nắm đấm hô to:

- Cách mạng muôn năm!

Tiếng hô bất ngờ, chỉ thầy Lê Hảo hô theo.

Trên bàn thờ, hai ngọn nến run run. Như vậy, theo mẹ tôi, là vong linh ông bà đã về hưởng. Tôi đợi anh Bốn tắt đèn, cho hạ cỗ bàn. Anh Bốn vẫn nghiêm trang:

- Xin mời chú Hai phát biểu ý kiến.

Chú Hai bị gọi bất ngờ, giật thót. Chú đứng lên dặng hắng đã mấy lần nhưng chỉ lí nhí được mấy tiếng:

- Chúc bà con hai chữ khương ninh.

Anh Bốn Linh sai dọn cỗ, mời khách ngồi vào mâm, bắt đầu rót rượu. Tiếng so đũa, tiếng mời nhau rộn lên. Ông Tư Trai ngồi ở mâm trên hỏi to:

- Anh Hai và cháu nhỏ đâu rồi? Mời ngồi lên mâm trên nầy.

Chú Hai xin từ chối, liền bị mọi người phản đối. Thằng Cù Lao cũng bị đẩy ngồi lên mâm trên. Nó đưa tay vẫy tôi lên, nhưng đợi mãi chẳng có ai mời tôi lên cả.

Ông Bảy Hoá thò đũa gắp một cục chả giò to tướng, chấm nước mắm, bỏ gọn vào mồm. Cả bộ râu dài của ông Bảy nhảy nhót theo nhịp quai hàm đang làm việc khẩn cấp. Chưa nuốt xong, ông lại đưa đũa kẹp luôn cả hai khoanh chả giò nữa, đưa ra trước mắt nhìn như xem thử nó có quá to không. Chợt ông thả gọn cục chả vào bát thằng Cù Lao. Ông Tư Trai càng tỏ ra cương quyết. Ông bưng cả bát chân giò lấy đũa bới tìm miếng to nhất, chấm nước mắm cẩn thận, bỏ vào bát của thằng Cù Lao. Đến lượt thầy Lê Hảo cũng gắp bỏ cho nó nửa cái bánh giò. Dượng Hương Thư dành cho nó cả một đĩa xôi ngọt. Thằng Cù Lao vừa nhai vừa nuốt, cặp mắt sáng rực. Thanh toán xong món chả và chân giò, nó còn ăn thêm cả nửa bát mọc. Nó ra tay bóc bánh và ăn xôi ngọt. Quả là thằng ngốc, không biết tính toán gì cả. Cứ để bụng ăn cho hết các món xào nấu trong mâm cái đã. Còn bánh giò và xôi ngọt cứ giữ lại rồi làm một tiệc nữa có sướng không? Tôi nháy mắt bảo nó khoan đã, nhưng nó cứ nuốt. Thỉnh thoảng anh Bốn gọi:

- Thêm đây một đĩa bánh, nghe!

- Thêm một đĩa thịt đây, nghe!

Ở nhà dưới, chị Bốn cũng dạ to không kém. Phải dạ to để được rôm rả.

Khách khứa cười nói vui vẻ. Câu chuyện xoay quanh những việc hôm cướp chính quyền. Làm sao ta cắm được cây cờ đỏ sao vàng trên ngọn cây sung chót vót? Vì sao ai nấy cũng đều răm rắp? Ai cũng muốn biết việc cướp chính quyền ở ngoài biển ra sao.

- Ngoài nớ cũng dữ như trong ni chớ?

- Cũng kinh thiên động địa vậy!

Câu chuyện chuyển sang việc ông Hội Hiệt, cháu của ông Bùi Kiệt ở Dùi Chiêng về tìm tổ tiên ở Hoà Phước. Trước đây khi bọn Pháp đưa ông Bùi Kiệt đi giết, ông xin một vuông vải đỏ. Ông cầm vuông vải niệm câu thần chú. Vuông vải bỗng biến thành con rồng. Rồng bay mang ông về núi.

Ông Kiểm Lài vừa nhai vừa nói:

- Con trai ông Kiệt là ông Bá Hoành. Con trai của Bá Hoành là Hội Hiệt săn cọp tài lắm!

Ông Kiểm rút khăn lau mồ hôi trán, dừng lại thở, nói tiếp:

- Ông Hội Hiệt hôm về làng có biếu bà con mấy chai rượu hổ cốt, trị bệnh đau xương như thần. Ông nói dưới ni ít gỗ. Ta làm trường học thì cứ lên Dùi Chiêng lấy gỗ. Có phải vậy không anh Hương Thư? Anh ở trên nớ chắc rõ.

Dượng Hương Thư ngừng gắp:

- Dạ, thiệt vậy! Chú Hội Hiệt có bè gỗ tốt.

Rượu với tiêu ớt đã làm mặt mày thầy Lê Hảo đỏ như gấc. Thầy phải nghỉ gắp để kịp đưa ý kiến của mình:

- Nghe nói đến làm trường là tôi lo ngày ngạy! Tôi phải đi Đà Nẵng một chuyến. Ra ngoài nớ mượn anh Sáu quyển sách của ông Lê-nin. Tôi phải xem cho rõ đoạn ông bày về cách dạy dỗ trẻ con thế nào. Nếu anh Sáu không có sách của Lê-nin thì phải mượn cuốn của ông Mác. Các vị cũng là bậc thánh cả.

- Nên mượn lâu lâu - Ông Bảy Hoá vừa nói vừa đặt đũa để vuốt râu - Độ này cặp mắt tôi nó lem hem quá, thấy một bông đèn hoá hai bông đèn. Tôi cũng đọc để biết tại sao ông Lê-nin nói gì là tứ xứ làm theo hết thảy.

Ông Tư Trai tiếp theo:

- Thầy Lê Hảo cho tôi mượn đọc vài hôm. Tôi muốn xem chỗ ông Lê-nin giảng giải vì sao tôi với ông Thiệp cứ kiện nhau. Sau Cách mạng, tôi như tỉnh lại. Nhà có con heo, phải xẻ thịt, mời bà con nhậu, tôi bỏ cái trò kiện tụng.