Выбрать главу

Đến bức tranh thứ ba. Người phạm tội ngồi trên một miếng sắt nung đỏ, mông đít để hở, lửa bốc làm tóc trên đầu quằn quại muốn cháy. Ông Bảy bảo tội đó là tội sát sinh trong những ngày rằm, ngày mồng một. Kẻ giết rận rệp cũng bị khép vào tội này. Nhất định mẹ tôi và chị Ba sẽ phải bị nung trên sắt. Vì bất kể ngày nào, bắt được con cá là họ nổi lửa kho nướng.

Tranh thứ tư vẽ bọn quỷ sứ tay cầm kìm xông vào móc lưỡi một người đang bị trói. Lưỡi kẻ phạm tôi bị bọn quỷ sứ kéo ra khỏi mồm đến một tấc. Ông Bảy bảo đó là người đã từng chửi Trời chửi Phật. Nếu vậy thì mọi người trong xóm sẽ bị rút lưỡi vì họ đều có chửi Trời, nhất là lúc nắng lâu hay mưa lâu quá:

- Mẹ cha thằng Trời không mưa xuống! Phải vác sào đâm nó lủng bụng!

Anh Bốn Linh càng không tin có Trời có Phật mà chỉ có sức mình. Thế thì rút mấy lưỡi của anh cho đủ. Những nhục hình khác như moi mắt, moi gan, vứt người cho cọp nhai, voi xé rùng rợn, không kể xiết. Thằng Cù Lao xem tranh Thập Điện, thú nhận là nó có tội tày trời. Lúc còn ở ngoài biển, ngày nào nó cũng bắt cá. Nó còn nói láo với cha nó để được đi chơi. Việc chửi Trời, ít nhất nó phạm đến năm mười lượt.

Những hôm đầu xem tranh Thập Điện, tôi hơi khiếp. Sau tôi hoá dày dạn, hoá chai, không sợ nữa. Có lúc đến chơi nhà ông Bảy, tôi đem cho ông vài hạt đỗ đũa hoặc vài hạt mướp làm giống. Ông Bảy cho những đứa trẻ tốt bụng như tôi thì Trời Phật sẽ xét lại, những tội lỗi sẽ được miễn giảm. Và nếu tôi khen ông Bảy một việc gì đó thì tôi có thể trèo lên cây ổi của ông, hái một bị đầy cũng được!

* * *

Ông Bảy vừa sực nhớ có tôi và thằng Cù Lao cùng đến với chú Hai Quân. Ông đưa chúng tôi ra sau bếp. Ông rút nắm củi mía, nhờ sắc một nồi nước chè. Chú Hai ngăn lại:

- Đừng có mệt. Không uống đâu!

Ông Bảy ngồi xuống:

- Tôi một mình đơn chiếc ở cái am này. Con vợ tôi bị bệnh phù, sau đó nó ngoẻo. Còn thằng con, nó vô làm ở hãng Ba Son, Ba Siếc chi đó, rồi cũng biệt tích, không biết chết đàng chết sá chỗ mô!

Ông Bảy kéo thằng Cù Lao đứng sát bên cạnh. Ông xì mũi, hỏi chú Hai Quân:

- Làm ăn ngoài nớ ra răng? Nghe nói ngoài nớ có món yến sào ngon lắm. Sao không mang vài chục cân về đãi bà con?

- Ở ngoài nớ cứ nhớ nhà đêm không ngủ được! Làm ăn bữa đói bữa no, chẳng hơn chi xứ mình cả.

- Vậy hè! Tôi cũng bắt chước bỏ làng đi tận Phan Rang, Phan Thiết, mò tới tận Đồng Nai. Đất nước ông bà thật là mênh mông chi địa, nhưng chỗ nào cũng chen chân không lọt. Kiếm được cái chi để bỏ bụng thiệt khốn khổ!

- Nghe đâu làng ta có năm đói lắm?

- Năm đói mẹ con bà Hai Quân cũng bỏ đi biệt tích!

Chú Hai ngồi lặng một hồi lâu, chợt như tỉnh lại. Tiếng ông Bảy nghe loáng thoáng:

- Khi con cá con tôm, cái rau cái rác đã kiệt, tôi cũng bỏ làng đi kiếm ăn xứ khác.

- Làm nghề chi?

- Một trăm thứ nghề. Bá nghệ là bá láp. Gặp chi làm nấy. Bán thuốc cao, giữ chó, giặt áo quần, làm thuốc nam, cúng phù thuỷ. Khi đói đầu gối hay bò, cái chân hay chạy, cái giò hay đi... là vậy!

- Thế ai bày ông cúng phù thuỷ?

- Cái đói nó bày. Chủ nhà tôi ở bị đau thắt chỗ bụng. Lão tin là bị động mả động mồ, cần có thầy cúng. Tôi tìm việc không ra, liền tự nhận là thầy cúng vào loại cao tay ấn. Tôi bắt chủ nhà sắm bút mực, giấy đỏ, giấy vàng. Tôi vẽ nguệch ngoạc những đầu trâu mặt ngựa. Vẽ người ta mới khó, vẽ ma quỷ có khó chi đâu! Khi lễ vật đã bày lên bàn, tôi bắt chủ nhà nằm phục xuống đất. Tôi nổi thét "Ấy phà! Ấy phà! Úm ba la!" Xong đó, tôi nổi lên ê a: "Này ta đến cửa Nam Phương có chàng Ba Long Vương. Này ta đến cửa Bắc Phương, có chàng Tư Long Vương...". Hết ê a, tôi nổi lên gọi toàn những tiếng rất bí hiểm "Úm! Ôi! Đà ha, ma ha, tác, tác!" Cũng may! Sau đó, chủ nhà đỡ đau. Nhiều người khác mời cúng. Nghề dạy nghề, tôi học thêm những bài tấu, bài nhương. Tôi học vẽ bùa, làm đồ mã. Sau đó tôi để râu. Một bộ râu dài rất cần cho ông thầy cúng. Bộ râu dài làm cho tôi có cốt tiên cốt Phật, trị được bọn quỹ dữ.

Ông Bảy có một bộ râu dài đến rốn, nó mọc quanh mép dưới cằm, thong dong như râu các vị quan văn trong tuồng hát bội. Khi nào đến chơi nhà ông Bảy, tôi cũng bắt gặp ông đang tỉa tót vuốt ve, ra dáng hãnh diện về bộ râu đó lắm.

- Móng tay tôi cũng để dài ra!

- Úy! - Chú Hai nói nhanh - Cách mạng lên rồi! Phải cắt bớt thứ đó đi! Cách mạng có phải chuyện chơi đâu!

- Tôi cũng nghĩ như ông. Trước đây vì túng thiếu... Nay nghe thằng Bốn Linh nói, mình thấy thẹn.

- Những thứ vẽ Thập Điện Diêm Vương phải đem đốt hết!

- Phải! Vì còn có ai cung kính chi đâu! Bọn thanh niên không tin quỷ thần nữa. Chúng bảo nhau phải quét hết ma quỷ, ma quỷ làm cho người ta cứ nơm nớp lo sợ.

* * *

Tôi và thằng Cù Lao nấu niêu nước chè đã sôi. Ông Bảy múc hai bát nước lạnh, lấy kẹp tre cặp niêu nước chè rót vào hai bát. Nước chè nổi bọt trông thật ngon lành. Chú Hai uống một mạch. Hai người im lặng. Quanh làng đã yên tĩnh. Chỉ vài tiếng chó sủa lơ mơ. Mơ hồ phía ngoài sông có tiếng rao đò: "Ai đi đò!". Chú Hai nói như vừa tỉnh giấc:

- Mới mà mau thật! Tôi cứ nhớ ông bày cho tôi cái kế để được ăn cá nhám! Tôi nhai cỏ trộn với cơm nhả vào trã cá nhám. Chủ nhà tưởng mèo nôn muốn đổ. Thế là, hà hà, tôi xực hết. Với kế lạ như vậy, tôi tưởng ông đã thành Trương Lương, Hàn Tín mang ấn công hầu. Không ngờ mang về nghề thầy cúng.

- Ấy chết! Ông không biết công hầu là phong kiến gốc đó hả? Cách mạng đánh đổ đế quốc phong kiến. Tôi mang cái thứ đó về hại bà con hả? Trước đây tôi tìm không ra cách mạng. Bây giờ cách mạng đã có rồi...

- Tôi nghĩ phải gặp anh Sáu hoặc hỏi thằng Bốn Linh nhận một công tác. Bữa nay, mình đứng ngoài, thấy khó khó...

Chú Hai hỏi những chuyện xảy ra trong làng trong lúc chú đi vắng. Ông Bảy thuật lại nạn mất mùa, nạn đói, chuyện Tây đến dựng nhà máy ươm trong tổng, chuyện quan trên bắt dựng vọng lâu và vào làng bắt cộng sản, chuyện đốt nhà, trộm trâu. Chuyện đói kém là chuyện ông Bảy nhớ nhiều nhất.

- Con người ta sinh ra ở đời ai cũng có cái vui, cái buồn, cái lo, cái ghét. Nhưng nghĩ cho kĩ, thì cái sợ là nhiều nhất. Trong các cái sợ, có cái sợ đói là ghê gớm nhất. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ cho đến lúc chết, người ta chỉ lo một việc. Đó là lo đói. Lo ngày lo đêm, dồn hết sức mình tài mình vào cái đói, thế mà vẫn đói. Tróc nã cho được miếng ăn thật là khốn khổ. Làng ta bỏ đi tha phương cầu thực cũng nhiều. Ban đầu có người đánh thư về nhà, nhưng sau không còn thấy tăm hơi đâu nữa.