Выбрать главу

Chú Hai hỏi:

- Vậy sau sợ đói là sợ cái chi?

- Là sợ ma. Ma đủ loại. Ma rà dìm người xuống nước. Ma le cõng người nhét giữa bụi tre. Ma trơi chập choạng. Ma đuốc lập loè. Ma đậu, ma xó, ma hời, ma trâu, ma lợn... Khắp bờ khắp bụi dày đặc những ma. Riêng quanh vườn đã có mười loại cô hồn như ta thường vái. Còn quỷ thì chỗ nào không có. Hoà Phước có hai bãi tha ma đầy ma quỷ. Ông có nhớ năm ma đậu hoành hành, người chết như rạ. Kẻ nào làm cho hết ma, tôi cho là thánh sư bồ tát.

Một ngọn gió từ phía sông ập vào vườn, rung những tàu lá chuối nghe lộp độp như mưa. Có tiếng gọi đò, tiếng vang xa như từ một nơi xa xôi nào dội lại. Bên kia sông, một ngọn lửa bật sáng. Ông Bảy chợt nói:

- Tôi nghĩ đi nghĩ lại, ông trời thế mà có mắt! Ông về được đây, còn mang theo thằng nhỏ để làm vốn liếng!

Ông Bảy kéo thằng Cù Lao ngồi sát bên cạnh.

* * *

Tôi và thằng Cù Lao đến chơi nhà bà Hiến. Bà đang ngồi kéo vải, cái xa kéo cứ quay rè rè. Một sợi chỉ như từ đầu trong con cúi cứ tòi ra mãi. Ban cứu tế sẽ dựng cho bà một ngôi nhà mới. Không biết ngôi nhà mới sẽ thế nào. Quả thật tôi thích cái nhà cũ của bà hơn, vì nó vừa thấp vừa tối. Mỗi khi đến nhà bà, tôi được cái thú khom người chui dưới mái tranh như chui vào một cái hang lạ. Dọc phên, bà Hiến treo những chổi cùn bằng tre, bằng rơm, dài ngắn đủ cỡ. Bà rất giàu về các loại chai vỡ, hũ vỡ, nồi vỡ, đặt thành một hàng dài trông rất lạ mắt. Nhà bà giống như một cái hang chứa chất đồ cổ. Thằng Cù Lao khen những nhãn pháo, nhãn chè dán trên cột, vẽ hình hổ báo vằn vện, những tướng râu ria cầm chuỳ, cầm xà mâu đứng múa. Trước đây, lúc rảnh tôi hay đến chơi đằng bà. Bà cho biết ngay trong xóm có một con rùa vàng. Có lúc rùa vàng bò lên mặt đất đi ăn. Hễ gặp rùa vàng, ta phải lấy cái khăn có trát máu chó chụp ngay lên mình nó. Máu chó làm rùa không thể biến mất. Bắt được rùa vàng, bà sẽ giàu sang sung sướng. Bà sẽ làm một cái nhà toàn bằng gỗ lim. Bà sẽ sắm kiềng vàng, vòng vàng. Bà mặc toàn gấm vóc. Chỗ nào có đói, bà sẽ đem gạo, đem tiền đến phát. Bà sẽ được mọi người chiều chuộng. Bà Hiến kể cho tôi nghe chuyện nàng Phấn Điệp:

- Nàng Phấn Điệp xưa kia đẹp như Hằng Nga. Việc bánh trái thêu thùa không ai bì kịp. Nàng còn biết đánh đàn. Tiếng đàn của nàng nghe réo rắt như gió thoảng mây bay, lúc reo vui, lúc xót thương, tủi hổ.

Tôi bắt bẻ:

- Bữa trước, bà nói nàng đẹp như Tây Thi, bữa nay bà lại nói đẹp như Hằng Nga. Cũng nàng đó hay nàng nào?

- Cũng nàng đó.

Bà kể tiếp:

- Cách ăn ở của nàng làm ai nấy đều mến phục. Một hôm có một người sang trọng đến xin gặp nàng. Trong lúc trò chuyện, người đó giả bộ vô ý đưa tay chấm vào trán nàng. Chỗ chấm đó trở thành một cái vết. Vết đen đó loang ra khắp mặt, loang khắp mình mẩy chân tay. Vừa lúc đó cha mẹ anh em của nàng đều chết hết. Nàng bơ vơ không nơi nương tựa. Những người trước kia muốn gần nàng bao nhiêu thì nay lại tránh nàng bấy nhiêu. Cuối cùng nàng chết ở xó chợ giữa đêm mưa gió.

Kể đến đây bà Hiến khóc thút thít. Đó là chuyện nàng Phấn Điệp bà Hiến kể tôi nghe trước Tổng khởi nghĩa. Khi tôi và thằng Cù Lao đến chơi, bà kể thêm:

- Về cái chết của nàng Phấn Điệp, bà đã kể sai. Nàng vẫn còn sống. Chính trong cái đêm mưa gió nàng sắp chết liền có một người hiện ra. Người đó lấy ngón tay chấm vào trán nàng. Cái chấm đỏ trắng dần, lan ra dần. Lan ra đến đâu, da dẻ của nàng trở lại trắng trẻo hồng hào đến đó. Phấn Điệp trở lại xinh đẹp như xưa. Tiếng đàn của nàng trở lại réo rắt. Nàng lại được mọi người tôn trọng, quý mến.

Tôi thúc vào hông thằng Cù Lao:

- May phước, không thì bỏ mẹ!

Theo bà Hiến thì chuyện Phấn Điệp không phải là chuyện bịa vì nàng Phấn Điệp có thực. Nàng đã từng ăn xin trước đây ở chợ, chính bà Hiến có trông thấy. Sau khi trở lại trắng da dài tóc, nàng không già mà cứ trẻ mãi, cho đến một lúc nàng hoá thành một con bướm trắng rồi nhẹ nhàng bay đi đâu mất.

* * *

Tôi và thằng Cù Lao thấy rất rõ bà Hiến cần chúng tôi đến chơi để bà kể chuyện Phấn Điệp. Vì vậy chúng tôi thường đến chơi nhà bà. Tôi đứng sau nhà bà gọi to:

- Bà Hiến ơi!

- Đứa nào đó?

- Tôi đây. Chúng tôi đến đã bà kể chuyện Phấn Điệp đây. Phải mở cửa mau mau ra đón.

Gặp thằng Cù Lao bà nói:

- Tao nhớ đến thằng con của tao. Nó cũng tướng đói như mày.

Bà thò tay lên cái gáo trên giàn. Bốn quả bồ quân theo tay bà xuống nằm trên cái bát. Bà bốc hai quả đưa cho tôi. Tôi lắc đầu không ăn. Chị Ba đã dặn không được ăn bồ quân của bà. Chị Ba giảng giải:

- Bà Hiến không chết là nhờ cây bồ quân. Bà hái bồ quân đi đổi gạo. Mày ăn bồ quân của bà thì bà chết đói.

- Ăn một vài quả thì ra răng?

- Một quả cũng không được ăn. Bà nghèo lắm!

Bà Hiến bốc hai quả đưa cho thằng Cù Lao.

Tôi nháy mắt ra hiệu cho nó đừng ăn. Nhưng nó đã bỏ một quả vào mồm. Tôi trợn mắt ra hiệu rõ hơn. Thằng Cù Lao bỏ nốt quả thứ hai vào mồm nhai rau ráu, nuốt nghe ừng ực, ăn nhanh như cọp đói. Bà Hiến lấy thêm cho nó năm quả. Lần này, tôi phải ra hiệu bằng cách lắc đầu, dậm chân. Nhưng chỉ trong nháy mắt, tất cả bồ quân đã biến mất. Lúc về, tôi thấy cần phải cho thằng Cù Lao một bài học:

- Nè Cù Lao! Mày làm bà Hiến chết đói rồi!

Nó mở tròn mắt:

- Răng?

- Bà chết đói chớ răng nữa? Mày ăn hết bồ quân của bà. Bà chẳng còn gì để đổi gạo. Bà chết đói là tại mày!

- Thế tui đã lỡ thì răng?

- Mày phải mua bồ quân đem trả lại bà. Từ rày không được ăn cái gì của bà, nghe không? Ở đây người ta bảo "ăn phải coi nồi" là vậy đó. Tuy bụng mình đói meo, nhưng phải nói: "Tôi no quá, ăn không được nữa". Có muốn ăn cũng phải thong thả. Bụng có cồn cào cũng phải đợi người ta mời năm lần bảy lượt mới cầm đũa. Khi cầm đũa phải gắp ít ít, không được luôn luôn thò vào món ngon. Đó là lễ nghĩa, chị Ba dạy vậy, nghe chưa?