Выбрать главу

Thằng Cù Lao vểnh tai nghe. Nó đồng ý là về làng, nó phải giữ lễ nghĩa. Lúc còn ở ngoài cù lao, cha nó đã từng dặn: Tuy về quê cũ, nhưng cũng như lội sông, chớ có láu táu, người ta chê cười cho đó!

* * *

Ban cứu tế cũng đã dựng xong cho bà Hiến một cái nhà một gian hai chái. Cái nhà mới của bà trông bề thế nhưng chẳng có gì hấp dẫn đối với tôi. Nó giống như mọi nhà khác trong làng. Tôi ngồi chéo chân chỉ lên nóc nhà:

- Nhà mới này chẳng thích đâu. Bảo làng làm lại cái nhà như nhà cũ. Cái nhà cũ thích hơn.

Tôi chỉ lên gian giữa:

- Sao không đem nhãn chè, nhãn chai dán lên như cũ?...

- Chỗ đó tao sẽ dán ảnh một người...

- Người nào?

- Người đã cứu nàng Phấn Điệp.

Thằng Cù Lao rất thích đến chơi nhà bà Hiến. Đến đây nó được ăn nói tự do. Nó nói thẳng với bà là từ này trở đi nó không ăn gì của bà nữa, dù chỉ một trái bồ quân. Ăn như vậy, bà sẽ lăn đùng ra chết đói, nó phải vạ lây. Tốt nhất là đừng ăn. Bà Hiến bảo nó cứ ăn, bà không chết đâu mà sợ. Xưa kia nhiều lần bà muốn chết, nhưng bây giờ bà muốn sống. Thằng Cù Lao hỏi lúc bà muốn chết có phải là lúc bà bị cái chấm đen lan dần hay không? Nó còn biết xưa kia bà Hiến rất đẹp. Bà cũng giỏi nghề canh cửi vá may. Có lúc nhà giàu đã thuê bà khóc mướn. Nó hỏi nhỏ bà:

- Có phải người ta thuê bà đi khóc mướn không?

Bà cười héo hắt:

- Mày ở cù lao Chàm làm răng biết được? Ở đây nhà giàu khi chết đưa ma to lắm. Họ thuê bọn con gái diện bảnh theo sau linh cữu để khóc lóc. Tao đã khóc như khóc cha mẹ mình chết vậy!..

- Thế còn ông Hiến đánh bà thế nào?

- Ông cột tao vào chân giường, đánh nổi lằn khắp mình mẩy. Trước kia ông rất hiền lành, ăn ở phải đạo. Sau đó ông bỏ làng đi. Ông nói sẽ mang tiền về làm toà ngang dãy dọc. Nhưng ông về với một hình ma tướng cóc. Tao phải nuôi cho đến khi ông chết.

- Thế khi ông chết, bà có khóc không?

- Tao khóc mãi. Ông bỏ tao! Tao nhớ, tao thương ông lắm!

Nói đến đây, bà Hiến lại khóc thút thít.

Chương 5

Bọn chăn trâu đồn thằng Cù Lao là thằng ngốc. Tôi cho là đúng. Chú Hai sai nó quét nhà. Nó không làm như tôi chỉ xách chổi quét qua quýt là xong. Đằng này nó dẹp tất cả ghế bàn về một phía, múc nước phun khắp nhà. Nó bò như cóc chui xuống các gầm giường quét sạch tàn thuốc lá, quét không sót một sợi lông tơ. Tất cả rác rưởi nó dồn lại một đống ở góc sân, nhóm lửa lên đốt. Thằng Cù Lao phí công vô ích. Chỉ nội ngày mai đâu lại vào đấy, nhà sẽ dơ lại như cũ. Nhưng anh Bốn lại khen nó quét sạch, không như tôi hay làm dối. Chị Bốn còn bảo quét nhà như vậy sẽ trở thành một tay nuôi tằm giỏi. Chị Bốn đưa cho nó cái chổi nhờ nó quét buồng tằm. Nó giở mành lách vào buồng, quét không sót một chỗ. Nó moi được một con cóc xách ném ra sân, tìm ra được một con ruồi lấy chổi đập chết. Nó bảo cóc thích ăn tằm, ruồi sẽ làm tằm đổ bệnh. Ở ngoài cù lao Chàm, không ai nuôi tằm, nhưng không hiểu sao, nó tỏ ra rất thông thạo. Chị Bốn còn nhờ nó xem tằm. Ai nuôi tằm cũng phải nhờ các thầy tằm xem tằm tốt xấu. Họ bốc một nhúm tằm bỏ trên chiếc mo cau đưa ra ngoài sáng, trịnh trọng xem xét từng con, lặt tằm chia ra từng nhóm. Sau khi xem kĩ, thầy tằm phán con nào bị bệnh quăn, bị bệnh đỏ đầu. Phải nhiều kinh nghiệm mới làm được việc đó. Chị Bốn bốc một nắm tằm gọi thằng Cù Lao:

- Cù Lao ơi! Lại đây xem tằm giúp chị.

Nó bắt chước người lớn, cũng rứt tằm, cũng phân ra từng loại. Nó bảo con này lớn, con kia nhỏ, con này dài mỏ, rồi kết luận:

- Tằm chị tốt lắm!

Chị Bốn rất thích, khen nó xem tằm khá lắm.

Tôi phì cười:

- Mày ở biển, biết được cá song, cá trích, chớ làm chi biết được tằm tốt tằm xấu?

Nhưng chị Bốn cứ bênh nó, cho nó có cặp mắt tinh. Hễ có cặp mắt tinh thì xem tằm không sai. Với lại nó sáng dạ. Đứa sáng dạ cái gì cũng biết. Chị mỉm cười:

- Thế mà anh Bốn mày cứ bắt tao phải đem đổ. Tao tiếc quá, cứ giữ lại.

Thằng Cù Lao nói như một ông thầy tằm lão luyện:

- Tằm vậy mà đổ đi, rất uổng!

- Anh Bốn bảo công tác của anh lu bù, bão lụt đã đến... Tốt nhất đem đổ quách!

- Ấy! Ai lại làm như rứa! Phải gột dâu rưới cho tằm một nước. Tằm qua ăn mốt, lên ăn hai... ngủ lớn lên. Tằm sẽ tin, sẽ chộ, sẽ lớn, phải làm bủa cho tằm rúc, tằm vầy chớ!

Tôi ôm bụng cười lăn lóc, không hiểu nó học được những tiếng lóng đó ở đâu, nói nghe như vẹt.

* * *

Cặp mắt thằng Cù Lao thật tinh. Buổi chiều thả trâu ăn ngoài bãi, nó chỉ cho tôi thấy những đốm sáng thật xa:

- Kìa, có ai nổi lửa bên kia sông kia kìa!

Tôi nhìn mãi mới thấy. Chúng tôi nằm ngửa nhìn lên trời. Nhiều chòm sao thưa hiện ra, nó chỉ cho tôi thấy trước. Nó chỉ hết chòm sao này đến chòm khác, đến một lúc tôi thấy trời đã đầy sao. Con trâu Bĩnh bước gập ghềnh trong sao đưa chúng tôi về nhà. Chốc chốc nó gọi to:

- Tránh một bên! Có trâu đuổi!

Cặp mắt thằng Cù Lao nhìn xuyên qua bóng tối. Nhưng cặp mắt của nó đã làm tôi ngài ngại. Rõ ràng đôi mắt của nó thuộc về loại "lưỡng nhãn bất đồng", con to con nhỏ. Ông Bảy Hoá là thầy xem tướng, đã bảo: kẻ bị cặp mắt "lưỡng nhãn bất đồng" là kẻ ăn gian nói dối, lừa thầy phản bạn. Chơi với nó, nhỡ nó đặt điều nói xấu tôi ăn vụng... Tôi lại hay đi tắm ngoài sông, nhỡ cái "phản bạn" của nó nổi lên, nó dìm tôi xuống nước thì sao? Tôi nghĩ vậy nhưng tôi vẫn... thích chơi với nó. Vắng nó, tôi cứ thấy thiếu. Nó cũng hay hay, tôi bảo gì nó đều vâng theo răm rắp. Công việc của tôi là chăn con Bĩnh. Chăn nó có mệt hơn trước nhiều. Sau ngày cướp chính quyền, cha tôi đi vắng, không ai đưa con Bĩnh đi cày. Nó có béo ra nhưng hoá đổ đốn. Tính tự do quá trớn nổi lên. Hễ ra khỏi nhà là nó đâm đầu chạy. Ra đến sông, nó nghểnh cổ thách những trâu khác húc lộn. Tôi bắt thằng Cù Lao bẻ roi dâu xông vào đánh thẳng cánh, Trâu húc phải buông nhau ra.

Hễ thằng Cù Lao giữ con Bĩnh không chạy bậy, thì lúc về tôi cho nó lên ngồi trên lưng trâu. Tôi thúc con Bĩnh chạy. Thằng Cù Lao ngồi sau lưng tôi nổi kêu é é, hai tay ôm chặt bụng tôi. Hễ hai đứa không bị ngã, tôi cho tôi có tài đánh trâu chạy như ngựa. Nếu hai đứa bị ngã, tôi kêu ầm là nó đã làm tôi gãy xương sống. Đi chăn trâu về, mỗi đứa thường mang theo cục u. Những cục u đó càng ngày càng nhiều. Chị Ba bảo tôi lêu lổng ngoài sông, chơi những trò chơi của phong kiến. Nếu tôi không chừa, chị sẽ viết thư mách cha tôi. Cha tôi sẽ thưởng cho tôi vài chục roi để tôi hết lêu lổng và thằng Cù Lao hết bị những cục u trên trán.