Số lượng những cục u trên trán của tôi và thằng Cù Lao cứ tăng dần đến mức báo động! Anh Bốn Linh nhận thấy chúng tôi phải cấp tốc đi học. Tôi đã đi học một lần, nay phải học lại. Bác Úc cho rằng nước nhà độc lập, không thể làm anh dân ngu khu đen, mà phải... khai thông dân trí, mở mày mở mặt với khắp thiên hạ. Chị Ba bảo tôi và thằng Cù Lao thế nào cũng phải làm cán bộ. Cán bộ mà dốt đặc thì làm gì! Trong lúc chờ đợi trường mới, tôi và thằng Cù Lao đến học ở thầy Lê Hảo. Thầy ở xóm dưới, cũng gần. Tiền học trả bao nhiêu cũng xong.
Anh Bốn Linh bàn với chị Bốn:
- Thằng Cù Lao đi học thì phải đặt cho nó một tên khác. Có được cái tên cho thật hay thì làm ăn mới nên nổi.
Chị Bốn cũng nhận ra cái tên Cù Lao nghe là lạ, vì cù lao là cái cục nhô lên ở đáy chai. Phải đặt cho nó một cái tên có chữ lót hẳn hoi. Anh Bốn bảo cái tên của nó phải nghe cho oai cái đã. Tên nó sẽ là Nguyễn Tuấn Kiệt hay Nguyễn Cao Hùng hoặc Nguyễn Đông Hải chẳng hạn. Chú Hai cho biết tên nó là Nguyễn Biển. Không hiểu sao khi về đây ai cũng gọi nó là thằng Cù Lao. Bác Úc cho biết cái tên Cù Lao nghe cũng hay. Cù Lao không phải là cái đáy chai, mà là một hòn đảo giữa biển. Nó gợi cho thằng Cù Lao nhớ lại nơi nó sinh ra. Và trong sách cũng có câu "chín chữ cù lao" để chỉ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Mọi người trao qua đổi lại không ngã ngũ ra sao cả. Cuối cùng cái tên Cù Lao ở lại với nó.
Vào một buổi sáng đẹp nhất, tôi và thằng Cù Lao đến học ở nhà thầy Lê Hảo. Thằng Cù Lao vẫn giữ cái quần treo. Nó cũng không chịu từ giã cái mũ nồi quý hoá, bảo đó là chiếc mũ của khách quý trên một chiếc tàu đánh rơi ngoài biển, Nó nhặt được trong chuyến đi khơi. Hôm đầu nó đến lớp, bọn trẻ con cứ xì xào. Có đứa dòm vào mũi nó, xem thử bên trong có cái vòi hay không. Chúng còn đợi xem thằng Cù Lao đi uống nước để biết rõ nó uống nước cách thế nào.
Thầy Lê Hảo dạy cho thằng Cù Lao học chữ a rồi đến chữ b. Sau đó nó học chữ o, chữ ô. B ghép với a thành ba, b ghép với o thành bo, thêm dấu hỏi thành bỏ. B ghép với ê thành bê, thêm dấu hỏi thành bể. Thầy bảo đọc: Ba ba bỏ bể. Thầy Lê Hảo bảo tôi:
- Trước đây, mày học đến vần tr. Tr ghép với ê thành trê. Mày đã học vần ph. Ph ghép với a thành pha, thêm dấu sắc thành phá.
Thầy bảo đọc: Cá trê phá nhà.
Thằng Cù Lao đọc trọ trẹ, ba ba bỏ bể nghe như ba ba bò bể. Cả lớp cười ồ. Thầy Lê Hảo quát:
- Cười cái gì! Đọc to lên đi!
Tất cả chúng tôi nổi rống như ễnh ương. Miệng đọc nhưng mắt vẫn liếc về phía thằng Cù Lao. Ra về, thằng Cù Lao bảo nó chưa hề thấy người nào bắt được con ba ba lại đem thả xuống bể. Hễ bắt được ba ba, là phải làm thịt để chén. Ba ba nấu với lạc ăn rất ngon. Tôi hiểu câu "ba ba bỏ bể" có một nghĩa khác. Nghĩa là ba ba khi rơi xuống đất phải nát ra từng mảnh. Bể có nghĩa là nát, là vỡ ra. Thằng Cù Lao có vẻ chưa thông vì nó biết cái mai của ba ba rắn lắm. Tôi tiếp luôn:
- Nếu thả rớt không bể, thì phải ném thật mạnh. Mai nó phải bể toang ra chớ!
Thằng Cù Lao còn quả quyết là nó biết tất cả những loài bơi lội dưới nước. Cá trê không bao giờ phá nhà cả. Tôi phân tích cho nó thấy giống cá trê thường thích chui rúc trong hang. Lúc lụt to, cá trê sẽ chui vào các lỗ cột. Cột nhà bị long, nhà phải ngả. Cách giải thích của tôi cũng chưa thoả đáng. Rốt cục chúng tôi phải tưởng tượng một con cá trê to bằng cái đình làng, có đôi ngạnh to bằng cây cột. Nó lách đến đâu thì nhà cửa sụp đổ đến đó. Có một con cá trê như vậy nom cũng rất lạ. Dần dần chúng tôi tin nhất định phải có một con cá trê to như vậy. Câu chuyện đến tai chị Ba. Chị Ba giảng giải:
- Ba ba là ba ba. Bỏ bể là bỏ bể. Đó là những chữ riêng rẽ không dính dáng chi nhau cả. Cũng như cá trê là cá trê, phá nhà là phá nhà. Những chữ đó không ghép thành câu mà chỉ để đánh vần. Chị đã học những chữ đó trong quyển quốc văn lớp đồng ấu.
Nghe chị Ba giải thích xong, chuyện ba ba, cá trê chẳng còn thú vị gì nữa. Cách giải thích của chị Ba đã quét sạch cái màn sương kỳ diệu bao phủ chung quanh cái kỳ lạ. Những chữ "ba ba bỏ bể", "cá trê phá nhà" bỗng chốc hoá trơ trụi, khô héo, không có ý nghĩa gì nữa.
Chợt một hôm, thầy Lê Hảo cải cách hoàn toàn nội dung giảng dạy. Thầy tuyên bố với cả lớp những chuyện "ba ba", "cá trê" là những chuyện của sách thời đế quốc phong kiến. Từ nay trở đi, tất cả học trò sẽ học những bài hoàn toàn mới. Thầy bảo cả lớp nộp vở xếp vào thành một chồng để thầy chép bài thơ hay. Những đứa chưa biết đánh vần cũng phải học thuộc bài thơ cái đã. Thuộc thơ trước, đánh vần sau. Một số bài thơ yêu nước của các nhà chí sĩ được thầy Lê Hảo dạy, chúng tôi đọc to khắp làng xóm:
Ngồi ngẫm chuyện năm châu trên trái đất
Sóng văn minh dồn dập cả phong trào
Kìa như ai, sức thì mạnh, của thì nhiều
Trời há lẽ riêng yêu chi một cõi
Sao ta cứ dã man quen thói...
...............................................
Á tế á năm châu là bậc nhất
Người nhiều hơn mà đất cũng rộng hơn
Cuộc đời mở hội doanh hoàn
Anh hùng bốn bể giang san một nhà...
Đại để bài nào cũng có những năm châu, bốn bể, có sóng, có bão táp, phong ba. Cái đó thằng Cù Lao rất thích, vì nó từng thấy ở cù lao Chàm. Nó đọc thật to, khắp xóm đều nghe rõ. Tôi và thằng Cù Lao thấy mình như đang lượn quanh bốn bể, giữa mưa Âu gió Á. Ai cũng khen thầy Lê Hảo cho ra nhưng bài học nghe réo rắt, quả là hay! Chị Bốn, chị Ba nghe qua là thuộc như cháo, bảo tôi xin thầy chép thêm nhiều bài nữa.
Mẹ tôi cũng khen:
- Ừ, nghe thiệt là hay!
Thằng Cù Lao thích thú thả hết giọng, rống vỡ nhà vỡ cửa.
Mẹ tôi còn dặn chị Ba, chị Bốn:
- Chúng nó đã là học trò. Từ rày chớ sai chúng nó nấu cơm rửa bát. Đó là chuyện của con gái đàn bà. Đừng để cái "tâm" của chúng bị mờ vì khói và bồ hóng ở nhà bếp. Phải giữ cho học trò sáng dạ để học trò học cho hay chữ, cái đó không chi bằng.