Выбрать главу

Ở lớp học chúng tôi thi nhau rống như ễnh ương:

Sao ta cứ dã man quen thói

Khom thân nô mà luồn cúi dưới cường quyền?

Thầy Lê Hảo bày tiếp:

Hú hồn các chú thiếu niên...

Chợt thầy vùng dậy kêu thất thanh:

- Uý thôi rồi! Các trò ơi! Con heo của tôi nhảy chuồng!

Nghe tiếng gọi hoảng hốt, chúng tôi bật lò xo, vứt sách vở phóc ra sân. Thằng Cù Lao phóng ra trước. Tiếng kêu la ầm ĩ tưởng có hùm vừa xổng cũi. Đứa nào cũng sẵn sàng hi sinh tính mạng bắt cho kì được con lợn của thầy.

Con lợn đang ung dung bước đến chỗ hàng rào. Thầy chưởi:

- Mẹ cha mày! Phen ni phải mời cho được lão bán thịt. Khôn vong thì quay về, không tao xuỵt chó cắn chết!

Con lợn quay lại nheo mắt nhìn như muốn xem học trò có bao nhiêu đứa, và có đứa nào chạy giỏi không. Nhìn xong, nó ung dung ngoắt đuôi rúc rào chui sang vườn bên cạnh.

Chúng tôi gọi nhau chạy vòng ra phía trước. Con lợn như đoán được ý đồ của chúng tôi, liền chui một mạch ra bãi dâu. Chúng tôi vừa hét vừa rượt theo. Con lợn cứ chạy loanh quanh trên bãi cát. Có lúc nó đổi hướng bất ngờ làm nhiều đứa ngã uỵch. Chạy được một lúc, đứa nào nghe cũng đuối sức. Có đứa mệt quá đã nằm dài. Chân tay duỗi thẳng, miệng thở hồng hộc. Thằng Cù Lao cứ phóng lên đón đầu. Chợt nó nhào về phía trước. Con lợn đã dính chặt trong tay nó, đang vùng vẫy la thét. Thằng Cù Lao hô to:

- Mau mau, nắm chân trước!

Chúng tôi cứ nhốn nháo chạy chung quanh vì con lợn vừa thét vừa lồng lộn khiếp quá!

Thầy Lê Hảo chạy đến đè lên đầu lợn rồi trói lợn lại. Trói xong, chúng tôi mới dám ra tay.

Việc bắt lợn đã đánh dấu một giai đoạn chuyển biến của bọn trẻ. Chúng xầm xì:

- Thằng Cù Lao chạy tài quá!

- Nó mạnh thiệt, bay nè!

- Thôi chớ có chọc nó. Nó mà chụp được thì không thoát được đâu!

Chúng tôi rất mong cho lợn của thầy Lê Hảo vài hôm lại nhảy chuồng một lần để có dịp được chạy nhảy bắt lợn. Nhưng rất tiếc từ hôm gặp phải tay thằng Cù Lao, con lợn đã biết rút kinh nghiệm. Ăn xong nó cứ ngủ ngoan ngoãn trong chuồng, không thích nhảy cao và chạy việt dã nữa.

Thằng Cù Lao chịu đổi chiếc mũ nồi để lấy một đôi chim sẻ. Nó đến lớp, để đầu trần. Mất chiếc mũ nồi bỗng nhiên bọn trẻ thấy nó chẳng có gì khác nhưng đứa nhỏ trong làng. Ngửi áo quần cũng chẳng còn cái mùi khét khét của lính Nhật. Chúng bảo nhau:

- Thằng Cù Lao không phải mọi biển. Nhưng không hiểu sao nó ở ngoài biển mà lại biết được trong mông ông Bảy có một cái sẹo. Những bí mật đâu đâu nó cũng biết được. Nghề tằm tơ, nghề đường mía nó thuộc làu.

Nó nói như một thợ nấu đường:

- Nước mía luộc xong phải lên lóng. Sau đó rút nỏ để xuống lóng. Uống một bát nước "chè hai" là khoẻ ra ngay.

Nó giảng thêm:

- Chè hai không phải là nước chè đâu. Nó là nước mía đã luộc múc đổ vào thùng lóng để xuống lóng đó.

Nó chỉ lên cây sung, nói với bọn chăn trâu:

- Trên kia kìa, có cái hốc to lắm!

Bọn trẻ hỏi lại chú Năm Mùi và anh Bốn Linh. Quả thật ở chỗ chạc ba trên cây sung có một cái hốc rất to.

Nó đi chợ Quảng Huế về, bọn chăn trâu hỏi:

- Chợ Quảng Huế ra răng? Có to không?

Nó làm như một cụ già từng sống lâu năm ở quê đang kể lại chuyện xưa trước mặt con cháu:

- Chợ Quảng Huế to và đẹp hơn trước nhiều. Ngày trước đó là chỗ phát chẩn. Trước đây lúc trời nhá nhem, ở thôn mình có tiếng phèng la, rồi có tiếng rao inh ỏi: "Ngày mai quan trên về phát chẩn tại chợ Quảng Huế. Ai đói lên chợ Quảng Huế lãnh chẩn!". Dân làng lôi quần áo rách ra tròng vào. Người chưa chết đói cũng làm ra bộ chết đói. Nhiều hình ma tướng cóc trông tội nghiệp lắm! Họ chen chúc dưới roi vọt để lọt qua được cái cổng tre vào lãnh chẩn. Người xét được lãnh phải nhận một vết nhọ nồi trên trán. Có được vết nhọ nồi, sẽ lãnh được một bát gạo.

Tất cả bọn trẻ reo lên:

- Ối! Nó làm như nó từng lãnh chẩn hồi trước!

Ban đầu chúng tôi chưa tin. Sau hỏi lại người lớn, những điều nó nói đều có thật cả.

* * *

Lớp học thầy Lê Hảo càng ngày càng đông. Học trò phải trải chiếu ngồi tận ngoài hiên. Học hết những bài thơ yêu nước, thầy Lê Hảo chép những bài hát cách mạng cho học thuộc lòng. Đứa nào biết hát thì hát, đứa không biết hát cứ ê a vẫn được:

Đoàn quân thiếu niên tiền phong chúng ta

Quyết đem xương máu để rửa thù xưa

Mau! Mau! Mau! Theo cờ đỏ sao vàng

Rút gươm, ta thề giết quân tham tàn...

Không khí trong lớp càng sôi nổi. Bọn chăn trâu nhiều đứa xin được vào học. Cả lớp tiến bộ trông thấy. Thầy Lê Hảo nghiêm nét mặt:

- Tôi dạy các trò theo phép thánh hiền. Trước học lễ sau mới học văn. Các trò phải học lễ nghĩa trước, tức là phải học cái tinh thần cách mạng trước. Hiểu cái tinh thần cách mạng trước, sau học đánh vần thì tốt hơn.

Nói xong, thầy vừa ngâm vừa hát:

Anh em ta mau bồng súng tiến ra sa trường

Khúc hát hành quân đang vang lừng trong bốn phương.

Chúng tôi vừa nhảy vừa hát theo. Đứa tối dạ thuộc càng nhanh. Học xong có thể xin về trước. Đứa nào cũng có những việc ở nhà: gánh nước, mót củi, chăn trâu. Thường đến nửa buổi, tôi đứng dậy bước đến trước mặt thầy, vòng tay lên ngực:

- Thưa thầy, cho tôi về đưa trâu đi uống nước.

Thầy nhìn lên:

- Ừ, cho trò về.

Tôi ra hiệu cho thằng Cù Lao. Nó cũng đứng dậy đến trước mặt thày chắp hai tay trên bụng:

- Thưa thầy, cho tôi về dắt trâu đi uống nước.

- Ừ, cho trò về.

Tôi đi trước, thằng Cù Lao theo sau. Nó hỏi:

- Cuộc ơi! Có đưa trâu ra bài không?

Tôi xẵng giọng:

- Cuộc, Cuộc cái chi! Tên tao là Cục, không phải là Cuộc. Về đã hơn tháng nay mà cứ trọ trẹ. Ra bãi phải nói ra bãi, chớ không phải ra bài.

Tôi bắt nó nói đúng theo giọng tôi. Về đến nhà, tôi bảo nó ra chuồng mở dây mũi cho trâu Bĩnh. Trâu Bĩnh độ này thích thằng Cù Lao lắm. Khi thằng Cù Lao đến gần, nó không khịt, lại còn thè lưỡi liếm vào cổ nó. Thằng Cù Lao vuốt vuốt lưng trâu khen:

- Cái lưng mày láng quá! Mày hoàn toàn quá!

Người ta bảo ngốc như trâu mà nó lại khen trâu là "hoàn toàn". Chợt chị Ba ở trên nhà nói xuống: