- Đi Đà Nẵng hay đi đâu kệ mày!
Tôi nói là tôi đang tức lộn ruột. Tôi kể cho thằng Cù Lao nghe những việc vừa xảy ra.
Thằng Cù Lao như sửng sốt:
- Tại sao lại không như rứa? Phải có những nhà mười tầng chớ. Tui cũng nghe anh Thanh nói rứa. Anh nói trong ngày mai hay trong tương lai chi đó, rất gấp thôi. Ngày mai, chúng ta sẽ ấm no hạnh phúc, ta sẽ xây dựng những ngôi nhà đồ sộ, những vườn tược thênh thang, những bể bơi, những bãi tập, sẽ đóng những tàu thuỷ đi khắp địa cầu...
Nó thêm:
- Có khó chi! Ta làm nhanh như chớp. Liên Xô sẽ giúp ta vôi gạch, sẽ đưa tàu bay đến chuyên chở. Máy móc nhà cửa họ đã làm sẵn. Ta chỉ còn có đào đất dựng lên. Năm bảy hôm là xong tất. Nhà không phải chỉ có mười tầng mà là hai ba mươi tầng. Lúc đó chị Ba sẽ thấy, sẽ tin bọn mình. Tức giận làm chi cho mệt?
Khi thằng Cù Lao nói xong, tôi ôm choàng lấy nó. Không ngờ ở đời này còn có người hiểu tôi như vậy. Thằng Cù Lao đúng là bạn tri âm của tôi. Nó thông minh quá, biết được việc tàu bay Liên Xô giúp ta kiến thiết nhanh chóng. Tôi nói nhà có mười tầng, nó thêm đến ba mươi tầng. Không chỉ kiến thiết nhà cửa, mà còn đóng tàu thuỷ, đào bể bơi, xây công viên đồ sộ.
Tôi nhìn lại mặt mày của nó. Cái trán nó trước đây tôi thấy dô ra, nay thấy cao rộng và thông minh. Cặp mắt của nó chẳng có gì là "bất đồng", là lừa thầy phản bạn, mà chỉ bị lác một tí thôi. Lỗ mũi nó hếch, chứng tỏ nó rất tốt bụng. Tôi hỏi:
- Làm sao Cù Lao biết được?
- Ngoài biển cũng có Cách mạng, cũng có Việt Minh, có lớp huấn luyện. Anh Thanh về mở lớp giảng nhiều cái hay lắm. Anh cũng là Việt Minh, giỏi không kém anh Sáu.
Tôi nhích gần lại thằng Cù Lao, quàng tay vào vai nó:
- Thế Cù Lao không hỏi anh Thanh bọn trẻ con mình sẽ làm chi?
- Bọn trẻ con sẽ mặc đồng phục, đi giày da.
Tôi chưa hề mặc đồng phục và đã thấy đôi giày da. Đó là đôi giày da của ông phán Ninh đi qua làng. Nó láng bóng.
- Thế anh Thanh có nói ta thành bác sĩ, kĩ sư cả không?
Thằng Cù Lao lắc đầu nói thẳng:
- Cái chi chớ bác sĩ, kĩ sư, tôi chẳng thích.
Tôi cũng chẳng hiểu bác sĩ, kĩ sư sẽ làm gì. Chỉ biết đó là những người học giỏi, biết chữa bệnh bằng cách tiêm kim và biết vỗ trâu béo.
Thằng Cù Lao không úp mở:
- Tui chỉ muốn làm nghề bánh kẹo. Hai thứ đó ăn không bao giờ chán? Ai không thích bánh kẹo? Tui làm thứ bánh kẹo thật ngon, người ăn càng thích.
Tôi tán thành Cù Lao làm nghề bánh kẹo. Tôi không rõ người ta làm các thứ bánh kẹo ở đâu. Có lần cha tôi xuôi phố Hội An, mua về mấy phong bánh in hiệu Phú Hoà. Bánh ngon tuyệt. Cha tôi bảo ở Hội An có nhiều nhà làm bánh ngọt. Như vậy thằng Cù Lao muốn làm bánh ngọt thì phải đến tận Hội An. Làm kẹo thì dễ hơn. Tôi mách đường chỉ lối:
- Hay Cù Lao học nấu đường. Vì kẹo cũng là đường đánh thành kẹo. Làng ta có ba lò đường. Sang nhà ông Tư Trai học nghề nấu đường. Thợ nấu đường ông nào mặt mũi cũng đen thui, nước da đen của Cù Lao rất hợp. Hơi đường thơm nứt mũi. Uống bát nước chè hai khoẻ ra như uống thuốc bổ.
Thằng Cù Lao chợt hỏi:
- Thế nấu đường có được đi đây đi đó không hở?
- Ấy! Đã nấu đường thì phải canh bên chảo! Phải bỏ vôi, phải múc nước mía, phải vớt bọt, phải khuấy đường. Lúc đường sắp quánh, lỡ một chút là đường khét ngay!
Thằng Cù Lao tỏ ra rất phân vân. Nghề gì bị cột chân một chỗ là nó xin vái không làm.
Tôi nhắc đến các nghề khác. Nghề làm tằm cũng bận rộn xung quanh cái nong cái né. Nghề kéo thao cũng phải ngồi bên nồi kén. Nghề chằm nón làm cho mọi người không bị cảm mạo, nghề bồi quạt làm cho mọi người có gió mát, nghề thợ nhuộm làm cho áo quần cũ trở nên mới, tất cả các nghề đó rất khó đi xa. Cả những nghề nhỏ nhất như nghề đan phên, nghề đắp ông táo cũng không hợp với nguyện vọng đi đây đi đó của thằng Cù Lao. Tôi nhớ đến những người bán hàng chạy, đi từ làng này sang làng khác. Thỉnh thoảng ông bán nồi đất gánh một gánh nồi rao to: "Ai mua nồi không?". Một lát sau vang lên tiếng rao bán chiếu, bán nong, bán vải, bán dầu rái. Tiếng rao của bác dầu rái giữa trưa vang lên cao vút. Trời càng nóng bác chạy càng nhanh. Trời nóng làm dầu rái lỏng ra, đong được lợi. Bác bán dầu rái không chỉ được đi, còn được chạy...
Cuối cùng, thằng Cù Lao thích bán dầu rái. Nhưng rất bí là không biết lấy dầu rái ở đâu. Tôi chợt nhớ ra ông thợ hàn nồi bịt bát. Ông thợ hàn nổi bịt bát đã từng làm tôi mê tít. Nghề bịt bát hàn nồi mới thật là nghề lí tưởng. Ông quảy một cái gánh. Ở một đầu gánh là một chiếc bầu, đầu bên kia là một ống bể. Ông đi khắp xóm làng, rao to:
- Trong nhà có ai bịt bát hàn nồi không?
- Vào đây, bịt cái bát.
Ông thợ bước vào, đặt gánh xuống, nhóm lò than. Ông mở bầu, bầu đựng cả một thế giới kì lạ: cái kéo nhỏ xíu, cái búa to bằng ngón chân, cái vỏ sò to bằng lòng bàn tay, cục hàn the, những miếng đồng, những mẩu thép sột soạt. Ông kéo bễ nghe phì phò. Ông nấu chảy cục chì óng ánh. Chắp, dán, mài, giũa, cái bát vỡ bỗng chốc lại lành. Ông bịt thêm trên miệng một vòng dây đồng sáng chói. Cái bát lại được đặt lên vị trí cũ. Ông nhận tiền công, lại tiếp tục quảy gánh đi nơi khác. Tiếng rao hàn nồi bịt bát chỉ còn nghe mơ hồ sau bờ tre. Thằng Cù Lao nhất định phải làm nghề này, sẽ luôn được đi đây đi đó.
Chị Ba nhiều lúc tỏ ra rất đáng yêu. Đó là những lúc chị làm món bắp lớ, hay khuấy món bánh đúc. Chị để phần tôi cả một bát đầy. Có trái ổi chị cũng mang về cho tôi. Trước ngày cướp chính quyền, đi xem tuồng Phạm Công - Cúc Hoa đến đoạn Cúc Hoa hiện hồn về thăm con, chị ôm cột khóc rưng rức, buồn suốt một ngày. Từ khi vào tự vệ, chị nói dứt khoát: