Выбрать главу

Những động tác thả sào, rút rào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sỹ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ.

Cho đến chiều tối, thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò.

Chú Hai vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi. Dòng sông cứ chảy quanh co dọc những núi cao sừng sững. Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước. Qua nhiều lớp núi, đồng ruộng lại mở ra. Đã đến Trung Phước.

Thuyền vượt thẳng lên Dùi Chiêng. Nghe nói Dùi Chiêng, tôi và thằng Cù Lao quên cả chuyện đi lấy gỗ, đầu óc tràn ngập những chuyện bắt hùm sắp đến. Chúng tôi sẽ gặp ông Bá Hoành và ông Hội Hiệt. Họ đều có lông chân mọc ngược, có cặp mắt nảy lửa, làm hùm beo khi nhìn thấy phải cúp đuôi bỏ chạy.

Thuyền cập bến Dùi Chiêng. Dượng Hương Thư đưa thẳng chúng tôi đến nhà ông Hội Hiệt.

Một ông già vóc nhỏ, gầy nhom từ trong ngôi nhà gạch bước ra. Dượng Hương cho biết đó là ông Hội. Tôi sững sờ. Không lẽ một người bắt hổ hình vóc lại nhỏ bé khẳng khiu như vậy? Hổ khịt mạnh, ông Hội có thể bay mất. Tiếng nói của ông dịu dàng chứ không như tiếng sấm. Cặp mắt cũng không nảy lửa. Tôi hơi thất vọng. Thằng Cù Lao nhìn chăm chú vào chân ông, xem quả lông chân có mọc ngược không. Ông Hội cũng nhìn chúng tôi thật chăm chú như muốn hỏi: Hai chú bé này con nhà ai vậy?

Dượng Hương Thư nói chúng tôi là cháu của dượng, là những học trò giỏi. Dượng giới hiệu với ông Hội chú Hai Quân đã đánh bọn cường hào vỡ sọ. Sau đó chú vượt biển Đông ra ở ngoài cù lao Chàm, tự do vùng vẫy. Đã là phượng hoàng thì không thể ở chung với bọn gà, vịt. Đến nay đã mười lăm năm, nước nhà độc lập, chú về lại với quê cha đất tổ.

Ông Hội vuốt chòm râu thưa, nhìn chú Hai vẻ khoan khoái:

- Thế là trên nguồn dưới biển, cùng quê cha đất tổ cả. Nhờ cách mạng, anh em ta lại gặp nhau, đoàn tụ!

Ông Hội đưa tất cả vào nhà, mời khách ngồi vào ghế. Hôm đó, tôi và thằng Cù Lao ăn mặc sạch sẽ, khi ngồi vào những chiếc ghế gỗ láng bóng thấy cũng hợp. Ông Hội lấy làm lạ vì sao mới vừa lụt xong dượng Hương đã lên chơi sớm vậy. Dượng Hương nói lên lấy gỗ về làm trường như ông Hội đã hứa.

- Tưởng gì! Gỗ đó tôi không dùng nữa, tôi xin biếu hết cho làng. Nhà cửa với miếng vườn này tôi cũng muốn dâng cho cách mạng.

Ông Hội nhìn sang chú Hai:

- Không mấy khi các anh và các cháu lên đây. Mời ở lại ăn thịt ướp. Cây nhà lá vườn...

Nhà ông Hội trông bề thế. Giữa nhà treo một lá cờ đỏ sao vàng. Cách mạng trên nầy cũng có. Tôi nhìn quanh. Những đầu hổ và những da hổ treo thành một hàng trên vách. Trên các cột còn móc đủ loại sừng. Có những sừng giống như mũi mác. Có cái dài ngòng ngoèo giống như một cành cây nhiều nhánh. Hai bên vách, treo nào súng săn, nào mã tấu, dao rừng. Tôi cứ nhìn nhìn, cái gì nom cũng lạ. Một chốc sau cơm đã dọn lên. Ông Hội mời tất cả ngồi lại. Vì chúng tôi là học trò giỏi nên được cùng ngồi một mâm. Ông Hội cầm đũa chỉ vào một đĩa thịt đầy ắp, giới thiệu đó là thịt hổ, ăn món thịt hổ sẽ khỏe ra ngay. Đợi người lớn gắp trước, tôi và thằng Cù Lao gắp thịt bỏ vào mồm. Thì ra thịt hổ cũng mềm như thịt trâu, không cứng như tôi tưởng. Gắp đến cục thịt thứ hai, tôi nghe khắp người khỏe ra, những mệt mỏi tiêu tan đâu mất!

Chú Hai Quân nhắp tý rượu, nói:

- Ở vùng xuôi, ai cũng đồn cụ Bá Hoành nhà ta săn hổ giỏi. Cụ có cặp mắt sáng quắc là nhờ cụ uống nhiều rượu có dầm mắt cọp.

Ông Hội cười:

- Không phải vậy đâu. Mắt ông cụ cũng như mắt mọi người. Còn muốn săn được cọp phải biết tính nết của nó.

- Người ta đồn giống cọp tài lắm! Ta nói gì chúng đều nghe hết. Nhưng khi đi khỏi ba mươi thuớc là chúng quên hết!

- Cho nên người ta còn gọi cọp là ông ba mươi.

Ông Hội cười:

- Hùm chỉ là loài hung dữ. Nó cũng sợ người. Ở rừng sâu không có người qua lại. Chộ phải ta, nó nhìn như hỏi: "Con gì lạ vậy?" Rồi cúi sát lẩn trốn. Nó bắt người là vì đói và cũng là hùm già, không đánh nổi với trâu rừng, bò tót. Ngày trước, cha tôi chuyên gài bẫy. Nhiều bẫy nay còn đó.

Chú Hai chỉ một tấm da treo cạnh những da hổ:

- Còn con này cũng là hùm chớ?

- Nó là giống beo. Đi rừng ta phải dè chừng beo ngồi trên cây. Khi nó leo cây, nó lấy chân sau hất mình lên từng đợt, cứ thế leo lên cây ngồi đợi. Thấy hươu nai chạy ngang, nó thả người xuống phóng lên đón đầu, không để chạy thoát.

Tôi và thằng Cù Lao muốn ông Hội kể mãi chuyện đánh hùm beo, nhưng dượng Hương Thư chợt hỏi:

- Hôm nào anh cho đi xem gỗ?

Ông Hội cho biết sáng ngày kia phải đi sớm. Chúng tôi sẽ vào chòi của ông trong rừng, gỗ chất trong đó. Sẽ ngủ lại một đêm trong chòi. Dượng Hương quày quả đứng dậy xin ra thuyền. Dượng còn tranh thủ về thăm dì Hương. Nhà dượng cách bến Dùi Chiêng chỉ hơn cây số. Chèo chống giỏi, nửa giờ sau là đến chỗ dượng.

Dượng Hương Thư đưa chúng tôi về nhà. Nhà dượng nằm giữa một khu vườn có nhiều cây cau cao vút. Cây nào cũng thẳng tắp trông như những cột cờ, trên chóp tỏa ra một tùm lá xanh um với những buồng cau sai quả.

Dì Hương sung sướng vô kể. Dì cho tôi và thằng Cù Lao đã vượt thác băng ngàn đến thăm dì ở nơi thâm sơn cùng cốc. Dì rất mong chú Hai và thằng Cù Lao lên đóng ở Dùi Chiêng, đất Dùi Chiêng dễ kiếm sống. Với lại ai đến Dùi Chiêng thì ở yên như bàn thạch. Theo dì, tôi đã gầy tọp lại, có lẽ vì ăn uống quá ít. Lần nào gặp tôi, dì cũng bảo tôi gầy tọp lại, mặc dù tôi đã béo ra làm ai cũng quở. Dì xách cây sào tre, chạy ra vườn gõ mít, xem có quả nào đã "trở tiếng". Quả nào gõ nghe bình bịch, dì lấy câu liêm dứt rơi xuống đất. Tôi và thằng Cù Lao ăn mít chín đến ngấy. Dì còn làm đãi khách món da trâu ăn để giải nhiệt.

- Da trâu ăn mát lắm! Nó sẽ "giải" bớt cái nhiệt của món thịt hổ đằng nhà ông Hội.

Dì vừa nói vừa thái món da trâu ướp. Da trâu được dì biến chế hóa trắng hóa mềm ăn nghe xốp xốp.

Dì Hương Thư cũng trồng dâu nuôi tằm, cũng có nong nia, giỏ to, giỏ nhỏ chẳng khác gì ở Hòa Phước. Chung quanh nhà cũng có cánh đồng rộng trồng ngô trồng dâu chẳng có vẻ gì là thâm sơn cùng cốc. Nhiều bạn hàng đi bửa cau đang trú ở nhà dì. Cau Dùi Chiêng quả nào cũng nhiều ruột, loại lòng tôm có ngấn vàng, loại lòng cơm trắng đục. Các bà bửa cau, bà nào cũng muốn tôi và thằng Cù Lao ăn thử một miếng trầu cho biết vị cau nguồn vừa thơm vừa béo. Dì Hương Thư lấy rơm lót vào giỏ, sắp đầy một giỏ xoài tượng biếu chú Hai. Dì gửi cho mẹ tôi năm quả mít và hai buồng cau lòng tôm quả to như những trứng gà. Tiếc rằng sau này lúc xuống thác, những thứ đó bị hất tung xuống nước.