Выбрать главу

Ông Nguyên dạy thế võ cho đội tự vệ lại nói:Đã là thầy thì cái chi cũng phải hơn trò. Thầy dạy cho ông học phải giỏi võ, vì ông Nguyên giỏi võ. Văn võ kiêm toàn mới làm thầy ông được. Thầy dạy lớp bình dân ở thôn ông chỉ là thằng con nít. Như vậy chướng quá, ông không thèm học!

Mọi người cười hà hà. Thầy Lê Hảo cắt nghĩa:

- Cũng vì ta chưa nói cho bà con nghe rõ sự lý. Phải khai thông cái "trí" thì tai nghe mới thuận. Nghĩ vậy, tôi có làm bài thơ, nói sự lý đó.

Thầy Lê Hảo đã xuất khẩu là thành thơ. Thầy nói đọc ê a: "Nay Cách mạng thành công, sông núi xuất anh hùng, giang sơn liền một mối. Ống thiên lý xa soi nghìn dặm, muôn trí khôn dồn lại một bầu. Vậy nên già trẻ nghèo giàu, ai cũng phải diệt loài giặc dốt"!

Chú Năm Mùi và anh Bốn Linh đề chép miệng khen hay. Chỉ có câu "Muôn trí khôn dồn lại một bầu", nghe chưa sướng. Vì khi cách mạng đã thành công, phải để trí khôn tỏa ra, không nên bắt trí khôn dồn lại.

Anh Sáu đã giảng giải: nước ta trước đây là một nhà tù lớn. Mọi người đều bị giam hãm trong dốt nát, trong áp bức, trong nghèo nàn, trong mê tín dị đoan. Nay cách mạng đã về, cách mạng phải mở rộng ra, phải giải phóng, không nên dồn lại. Anh Bốn xin bỏ câu" Muôn trí khôn dồn lại một bâù" và thế vào bằng câu" Mang trí khôn mở rộng cuộc đời", thay chữ "dồn" bằng chữ "mở".

Chú Năm Mùi, cả thầy Lê Hảo đều gật gù khen chữ " mở" đã làm cho bài thơ càng tuyệt diệu.

Anh Bốn Linh ra dáng suy nghĩ:

- Nhưng còn thầy dạy, lấy đâu cho đủ?

Chú Năm Mùi như đã sắp xếp từ trước:

- Thầy giỏi đã có anh Bảy Hoành. Anh có cả một thùng sách. Thầy xóm dưới đã có thằng Tân, nó là đội viên, vừa siêng năng vừa thông thái...

Chú Năm Mùi nhìn về phía tôi và thằng Cù Lao:

- Ta đã sẵn hai chiến sỹ diệt dốt kia. Chú Cù Lao học đã thành tài, nay sung vào đội quân diệt dốt là đúng! Chú Cục kia nữa, đã tốt nghiệp lớp ba tháng. Hai chú đều văn hay chữ tốt. Địa lý, lịch sử, cái chi cũng đều giỏi cả. Nay được thăng làm thầy là phải.

Anh Bốn Linh nhìn thẳng vào tôi và thằng Cù Lao:

- Đánh giặc ngoại xâm thì chưa đến tuổi tòng quân. Đánh giặc đói thì cầm cày chưa vững. Đưa đi đánh giặc dốt là đúng lập trường!

Chú Năm Mùi như sực nhớ một việc quan trọng:

- Còn như bà Hiến, ban đêm cứ thấy một bóng đèn thành hai bóng đèn, đến lớp không được. Hoặc ông Bốn Rị ban đêm phải làm thịt chó. Phải có thầy đến dạy tại nhà, làm vậy mới diệt được hết ổ giặc.

Anh Bốn Linh kêu lên:

- Phải! Rất phải! Tôi cứ quến Bà Hiến suốt đời đói khổ, ông Bốn Rị cực chẳng đã mới bán thịt chó. Chú Năm nói phải! Cách mạng phải nhớ đến họ... Ta phải cử thày đến dạy...

Anh Bốn Linh nói xong vội vã cùng thầy Lê Hảo ra về. Chú Năm Mùi ngồi lại phân công ngay cho thằng Cù Lao ban ngày phải đến dạy bà Hiến học, còn tôi ban ngày phải đến dạy ông Bốn Rị học. Vừa nghe chú Năm phân công tôi phải dạy ông Bốn Rị, tôi giật nảy:

- Ối! Cái ông Bốn Rị...

- Ông Bốn Rị, thì sao?

- Người ta cười tôi đó! Tôi đi dạy một lão bán thịt chó!

Tôi khịt mạnh:

- Lão nghe hôi lắm!

Chú Năm Mùi nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Lạ hè! Tao ngồi gần ông, tao chẳng nghe có hôi hám chi cả, nghe thơm là khác. Mày đến bên ông hít hút vài cái thử coi. Người ta tưởng bậy đó thôi. Mày đã là chiến sỹ diệt dốt. Đã là chiến sỹ thì dù giặc dữ cũng phải xông vào, sợ chi cái hôi hám!

Tôi đang phân vân, chợt thằng Cù Lao cười nói:

- Cục không quen mùi thịt chó, cứ để ông Bốn Rị tôi lo. Còn Cục lo cho bà Hiến.

Tôi thở phào.

Chương 2

Vùng tôi trước đây không ai thèm ăn thịt chó, không phải vì có nhiều thịt. Không ăn thịt chó vì một thành kiến, thành kiến đó sau ngày Tổng khởi nghĩa còn khá nặng nề. Người ta có thể ăn thịt rắn, thịt chuột, thịt cóc, ăn cả những gì dạ dày không cho phép, cũng chẳng ai dị nghị gì cả. Nhưng nếu ăn thịt chó thì, ôi thôi, tất cả uy tín đều tiêu tan! Người đó bị xem là đứa phàm ăn. Mọi người đều tin thịt chó là loại thịt ô uế. Thịt chó vào bụng sẽ làm mất hết cái tinh khiết của con người. Nguy hại nhất là lúc chết! Người ăn thịt cho khi chết phải xuống địa ngục, phải qua mười cửa điện Diêm Vương, phải chịu những nhục hình ghê rợn. Chỉ một lát thịt cho trôi vào bụng thì cửa ngõ chốn âm ty đã sẵn sàng chờ đón, dù lòng từ bi của Phật tổ có rộng như biển cũng không phương cứu xét. Có người thoáng nghe mùi thịt chó đã nổi nôn ọe, cơm canh đã nuốt vào bụng đều tuôn ra hết. Những người như vậy được xem như có cốt tiên cốt Phật, sau này chết đi sẽ được lên ở cõi thần tiên vô cùng sung sướng.

Làng tôi trước kia có ông Bốn Rị làm nghề bán thịt chó, ông ăn thịt chó, lại còn giết chó lấy thịt đem đi bán. Lũ chó bị ông giết biến thành ma chó quay lại báo thù.

Ông Bốn sống thui thủi một mình. Mọi người tin ở ông toát ra một mùi thịt chó rất lợm. Tôi và lũ chăn trâu trong làng khi gặp ông Bốn Rị liền tránh xa ra một bên. Khi ông vừa đi qua, chúng tôi ù té bỏ chạy, vừa chạy vừa khạc nhổ: Ôi! Hôi lắm! Hôi lắm!

Bọn chó đánh mùi ông Bốn Rị rất giỏi, ông vừa đến đầu làng, chó giữa làng đã nổi sủa. Ông đến giữa làng, cho cuối làng nổi sủa. Tiếng chó sủa dấy lên từ xóm này sang xóm khác. Chúng tru tréo, gào thét, cố khạc cho hết mật đắng vào người ông. Từ những con chó chỉ biết yêu thương, chỉ biết trả lại những gậy suýt chết bằng những cái ngoắc đuôi đầy tình nghĩa, cho đến những con chó siêng năng suốt ngày đêm để lo giữ trộm, hễ nghe tăm ông Bốn đều nhảy xổ ra sủa. Từ những chó già gầy guộc, rụng lông, giơ xương, cả rận và bọ chét cũng không thèm ở chung với chúng, cho đến những con chó tròn trĩnh, béo tốt, khi đánh hơi có ông Bốn đều nổi giận, nhảy xổ qua rào, vừa phóng vừa sủa. Những con chó sủa không đâu, những con chó biết giấu kín sự căm giận, biết nép mình trong xó bụi để cắn trộm tất cả, khi đánh hơi biết có ông Bốn Rị đều vụt chạy, sủa toáng lên như bị gậy nện vào đít. Con Mốc nhà bác Úc biết ngủ có chỗ, biết sủa có lúc, bác Úc thường nói: "Con Mốc nhà tao đã sủa thì nhất định có trộm", khôn ngoan đến vậy, khi nghe có ông Bốn Rị cũng hóa điên, phóng cả vào cọc, ngã lăn kềnh, ra sức chạy để sủa. Con Mun nhà ông Kiểm Lài, suốt ngày sục sạo tìm kiếm, khi nghe tăm hơi ông Bốn đều vứt hết, phóng qua bờ tre gai, đuổi cho kỳ được ông Bốn. Con Vá nhà bà Hiến, chăm đuổi gà, không gây sự, khi có chó lớn chạy đến, nó ngoắc đuôi nằm rạp len lén bỏ đi, khi có ông Bốn bỗng hóa mãnh liệt, chân choãi về trước, đuôi kẹp vào chân sau, gào rống. Tất cả rượt đến, vây quanh ông Bốn, như muốn ngoặm cổ, xé xác ông ra mới hả dạ. Chúng nhảy tới, thụt lui, lồng lộn tru tréo làm náo động cả làng. Ai cũng lầu bầu: