Выбрать главу

Tôi và thằng Cù Lao lại đến nhà bà Hiến. Tôi cho ra ngay câu nói của chú Năm Mùi:

- Nay mai người ta ngăn chợ. Ai biết chữ quốc ngữ mới được vào chợ!

Bà Hiến ngừng xa kéo sợi:

- Ai nói đó?

- Lệnh trên đó! Chú Năm Mùi cho biết. Ai dám nói sai. Bà cứ hỏi chú Năm coi.

- Người không đọc được chữ quốc ngữ thì răng?

- Thì đứng ngoài cổng rồi về thôi! Lệnh nghiêm lắm!

Bà Hiến ngồi thừ ra. Môn thuốc của chú Năm đã công phạt. Tôi hỏi dò:

- Bà đi chợ không?

Tiếng bà Hiến nhỏ hẳn:

- Đi chợ để mua đồng mắm, đồng muối... Thôi bà phải học! Tội chi không học. Kiếm vài chữ bỏ bụng cũng sướng!

Tôi và thằng Cù Lao bật dậy reo lên, phóng một mạch chạy gặp chú Năm Mùi. Vừa gặp chú, tôi thét to:

- Bà Hiến chịu phép rồi! Sao chú tài vậy chú?

Chú Năm Mùi vẻ thản nhiên:

- Tại bọn bay không biết bắt mạch. Tao bắt mạch biết bà Hiến mê đi chợ. Không một xu nhỏ cũng mò đến chợ. Bà đi chợ một vòng còn thích hơn xem hát bội. Cũng như mày mê vật lộn, thằng Cù Lao mê lội bơi, tao trước đây, tao mê hát bội. Ở đời ai cũng có cái mê cả!

Tôi hỏi thằng Cù Lao về ông Bốn Rị. Ông có biếng học như bà Hiến không? Ông có hôi lắm không? Nhà của ông thấy có rợn không?

Tôi với ông Bốn Rị ở cùng làng, tôi ở đầu xóm trên, ông ở xóm giữa. Thỉnh thoảng, tôi đi qua nhà, nhưng chưa bao giờ ghé lại. Nhà ông có bức rèm tre che trước cửa, đằng sau có bóng người thập thò. Có tiếng cốc, cốc như mõ khua và tiếng kêu ăng ẳng. Nhưng lái làm tôi rợn nhất là tiếng rú của chó bị cắt tiết. Tiếng rú vang dội, đâm thủng màn sương, át tiếng gọi đò và tiếng gàu khua ở các giếng nước. Mỗi khi tiếng rú vang lên, lũ chó trong làng nổi lên sủa rộ. Ông Bảy Hóa ngồi trước cửa chùa, đập đập cái quạt mo vào chân:

- Lại một con chó hóa kiếp! Mong mày đầu thai trở lại làm người. Làm người không xong thì phải hóa kiếp trở lại làm chó!

Thằng Cù Lao cho tôi biết ông Bốn chẳng có mùi hôi thối gì cả. Ông sạch sẽ như mọi người. Ở ngoài cù lao Chàm, cũng có người bán thịt chó, người đó cũng không hôi thối. Cũng chẳng nghe ai nói ăn thịt chó sẽ xuống địa ngục, sẽ bị rút lưỡi moi gan. Nhà ông Bốn không có gì rùng rợn cả, nhà rất mát mẻ, có cây bông trang, có con bướm đậu. Ông Bốn có nuôi nhiều chó, nhưng toàn là chó con. Ông xin chúng ở đâu về, nhốt sau chuồng. Chúng kêu ăng ẳng. Có con chưa biết ăn, ông phải vạch mồm tọng nước hồ vào họng. Có lúc một chó mẹ đến gào rống sau vườn đòi con. Ông xách gậy ra đuổi. Cuối cùng, chó mẹ bỏ đi nơi khác. Thằng Cù Lao còn cho biết khi ông Bốn mổ xong một con chó, ông cắt một miếng thịt ở chóp đùi đem xào. Mùi thơm bay ra ngào ngạt.

Tôi kêu lên:

- Ôi! Thịt chó thơm răng được? Thịt chó làm tao nôn ọe. Thôi kể tiếp đi, rồi ông Bốn làm chi nữa?

- Sau đó, ông nướng bánh tráng có rải mè, múc thịt đặt lên mâm, mời tôi ngồi lại.

- Mời ai?

- Mời tôi!

- Ấy! Mời mày? Thế mày nói sao?

- Tôi nói tôi không ăn.

- Ừ, được đó!

- Nhưng... ông mời mãi. Ông nói hễ tôi không ăn thì ông không học. Với lại cái mùi thịt bay thơm, tôi cầm lòng không đậu...

- Làm sao?

- Tôi ăn.

- Ối! Trời ơi! Nguy to rồi! Mày ăn đồ ô uế rồi! Có nôn ọe không?

- Vừa nói tôi vừa ọe lên mấy cái.

Thằng Cù Lao lặng thinh. Tôi lên giọng:

- Ở đây đưa phàm phu mới ăn thịt chó. Đã ăn thịt chó, khi chết phải xuống địa ngục. Bọn chó đánh hơi, xông ra cắn mày chết!

Thằng Cù Lao hạ thấp giọng:

- Hôm kia đến nhà ông Bốn, tôi thấy chú Năm Mùi ở đó.

- Chú Năm đi kiểm tra học tập. Chú có hỏi chi không?

- Không hỏi chi cả. Chú đang ăn...

- Ăn chi?

Thằng Cù Lao nói khẽ vào tai tôi:

-Ăn một đĩa nấu nhừ.

Tôi giật thót:

- Thiệt không?

- Chú khen đĩa nhừ nấu khá! Chú còn bảo giống thịt chó thế mà mát, ăn thịt chó ngủ ngon.

Tôi không ngờ chú Năm Mùi lại ăn thịt chó! Từ ngày cách mạng thành công, chú tiến bộ rất nhanh. Chú không còn mê cô đào hát bội, không hát bài chòi. Chú vừa nhận chân lãnh đạo tự vệ xã, kiêm chính trị viên tiểu đội dân quân của thôn, phụ trách đội thiếu niên. Nay lại đi ăn thịt chó!

Thằng Cù Lao lấy tay che mồm, nói chỉ vừa đủ tôi nghe:

- Cả ông Bảy Hóa nữa!..

Tôi suýt ngã ngửa, nổi cười to. Thằng Cù Lao cũng nổi cười. Chính trước kia ông Bảy Hóa cho mình có cốt tiên cốt phật. Đã là tiên phật thì hít mùi hương hoa cũng đủ sống, không cần ăn. Nếu có ăn cũng chỉ ăn tương cà dưa muối. Ai nói đến thịt chó thì ông nôn ọe.

Tôi hỏi:

- Thế ông có mắc cỡ không?

- Chẳng mắc cỡ chi hết. Ông tréo chân ngồi giữa nhà, húp rất to. Ông khen ông Bốn Rị bán rẻ thịt chó. Có vậy mới đông khách, nhiều người sẽ khỏe ra. Nay ông đã nhập bạch đầu quân, ông cũng muốn khỏe thêm; luyện tập quân sự càng dai sức, đánh thằng giặc. Như vậy mới gọi là tu. Ông thét to: Phật là cái tâm của ta. Cái tâm ta ngay thẳng, trung thực, đó là Phật. Cái tâm ta gian nịnh xảo trá, đó là ma quỷ. Tôi coi làng mình mọi người trở nên tốt. Trộm cắp bỏ nghề, thuế chợ, thuế đò đều bãi bỏ, đâu có phải vì không ăn thịt chó, mà vì có người làm cách mạng.

Tôi hỏi thêm:

- Thế ông có bị nôn ọe không? Chị Ba nghe mùi thịt chó cứ bị buồn nôn, không phải chị giả đò đâu!

Thằng Cù Lao cho biết cả đội tự vệ cũng có ăn thịt chó. Thỉnh thoảng, ông Bốn Rị mang một nồi bún với thịt đem thết toàn đội ở chòm đa Lý.

Bà Hiến có một trí nhớ rất tốt. Tôi nói gì bà nhớ nấy, nhớ rành mạch, chính xác. Không ngờ dưới lớp da nhăn nhúm lại giấu một đầu óc minh mẫn. Đầu óc của bà không phải như cái rổ lủng như bà nói. Bà nhớ giỏi bằng mười tôi, nhưng tôi cứ chê. Tôi chê bà viết tồi, đọc chậm. Khi tôi còn làm học trò, tôi thích được khen. Nhưng khi làm thầy tôi cứ thích chê. Tôi viết lia lịa một loạt chữ O bảo bà Hiến bắt chước kẻ theo. Bà méo mồm cố kẻ theo thật đúng. Tôi bắt bẻ:

- Viết bằng tay, sao mồm lại méo xệch?

Bà Hiến vừa viết vừa thở hổn hển. Tôi uốn nắn:

- Chớ thở ào ào! Bay mất sách vở! Thở vậy nên chữ viết như gà bới.

Tôi bảo gì bà cũng vâng theo. Tôi nhận rõ bà Hiến nể tôi. Bà không còn gọi tôi là thằng Cục, mà gọi là chú Cục. Trước mắt bà, rôi không còn là thằng chăn trâu bị bọn trẻ đánh u trán. Theo thầy Lê Hảo, khi làm thầy sẽ được học trò kính nể. Tôi bắt chước thầy Lê Hảo ăn nói nghiêm trang, khuyên cái này răn cái nọ. Có lúc tôi quát chơi một cái cho sướng miệng. Bà Hiến không lấy thế làm mất lòng. Bà nói trước kia các thầy phải đánh học trò bằng roi mây, có thế mới nên. Nay cách mạng lên rồi, thầy không đánh học trò, sướng quá!