Выбрать главу

Tôi sực nhớ chị Ba và chú Năm Mùi dặn phải làm công tác quần chúng. Lập tức, chúng tôi vứt sách, xông vào buồng bà Hiến. Chúng tôi khênh hết những thúng đựng khoai ra ngoài, quơ hết giẻ rách vứt ra sân rồi lấy chổi quét. Tĩn còn đầy nước uống, thằng Cù Lao cũng đổ đi, quảy tĩn ra sông múc nước. Sau đó, tôi vo gạo, quơ củi, nhóm bếp. Bà Hiến van nài, tôi cũng giật lấy, giúp bà cho kỳ được. Trước nhà bà, có những tĩn sứt, chum vỡ, tôi và thằng Cù Lao khuân hết đi nơi khác lấy chỗ để trồng cây bông trang. Bà Hiến chạy ra ngăn lại, không hiểu trồng cây bông trang để làm gì. Tôi níu bà lại, bảo phải trồng cây bông trang cho đẹp mắt. Chúng tôi đảo lộn tất cả, sắp xếp mọi thứ theo ý muốn chúng tôi.

Tôi giảng giải:

- Cách mạng lên rồi. Nhà nào cũng phải có hòn non bộ, có dăm cây cảnh. Có cây bông trang chưa đủ, phải trồng thêm bông lài, bông lý nữa.

Thằng Cù Lao quả quyết:

- Không lèm nhèm nữa đâu. Bà già cũng phải đánh phấn tô môi, phải mặc áo màu, phải đi giày cao gót. Rồi đây, bà phải đi uốn tóc, phải sắm một cái ví và một chiếc dù đầm. Đi đâu phải cầm trên tay cho sang trọng.

Chương 2 (tt)

Tiếng đồn làng trên xã dưới ông Bốn Rị có một thằng con trai giống ông như đúc. Da nó cũng đen, người nó cũng gầy, khuôn mặt giống hệt như bố. Trước đây, gặp năm mất mùa ông Bốn phải đem đợ thằng con trai đó cho một nhà giàu ngoài Đà Nẵng. Nay làm ăn khá, ông Bốn đã chuộc nó về. Thằng nhỏ siêng năng lắm. Nó băm thịt giòn tan, nấu xào rất giỏi. Tôi biết đó là tin đồn về thằng Cù Lao. Nó giúp ông Bốn làm nhiều việc để dạy ông học., Nó còn đi bắt chó với ông. Ông Bốn kéo lê một con chó bị tròng. Thằng Cù Lao thủ một chiếc roi theo sau. Tất cả bọn chó gào rống đến sủi bọt mép quanh ông Bốn. Thằng Cù Lao không chút nao núng, phóng mắt nhìn quanh tìm đứa hung hăng nhất. Chợt chiếc roi mây bay vút. Chó bị roi kêu ăng ẳng, cúp đuôi vụt chạy. Những chó khác chạy tán loạn. Thằng Cù Lao nhặt đất ném theo, phá gãy vòng vây, giải thoát cho ông Bốn Rị. Dẹp xong lũ chó, nó đứng chống nẹ nhìn quanh.

Tôi gọi to:

- Cù Lao ơi! Mày đi bắt chó cho ông Bốn hả? Làm chi bậy bạ rứa? Thiên hạ cười đó! Họ đồn mày là con trai ông Bốn đó!

Miệng tuy nói vậy nhưng bụng tôi nghĩ khác. Thực bụng tôi phải nói: Mày đuổi chó giỏi lắm! Tao đang phục mày đấy! Tao cũng muốn được như mày.

Tôi hỏi bâng quơ:

- Mày mượn đâu chiếc roi mây tốt quá?

Thằng Cù Lao chìa chiếc roi:

- Ông Bốn cho tui đó.

Tôi nói cho có chuyện:

- Roi to thì sướng hơn.

- Roi nhỏ quất khỏi gãy chân. Ra oai thôi mà!

Tôi hỏi:

- Thế... tao xin ông Bốn một cái roi được không?

- Cục xin đi. Ông Bốn ông tốt bụng lắm! Ông cho liền liền.

Thằng Cù Lao nói nhỏ vào tai tôi:

- Thảo ăn lắm! Hôm nào cũng đãi ổi, đãi bồ quân. Ổi và bồ quân của ông ngọt lịm! Ăn nhiều ông càng thích!

- Nhưng mà tao sợ ma chó! Chúng kéo về từng đàn, ông Bốn Rị phải đặt câu thần chú mới đuổi được.

- Làm chi có!

- Tao đến xin ông cái roi. Rồi... đi bắt chó với mày được không?

Thằng Cù Lao reo lên:

- Ông thích còn phải nói! Ông bảo tui đến ở với ông, tui cứ việc đi chơi, ông làm nuôi tui cũng được

Tôi và thằng Cù Lao cùng cười. Không ngờ sự việc lại như vậy.

Trước Tổng khởi nghĩa có ba nơi làm tôi cứ sợ. Đó là chòm đa Lý âm u, đại bản doanh của quỷ Năm Nanh có đầu tóc xõa đến đất. Ddó là miếu Bà Tằm im lìm nép dưới chòm sung, nơi làm ăn của quỷ Bạch Thố. Sau cách mạng, quy Bạch Thố và quỷ Năm Nanh đã cuốn gói đi nơi khác. Chỉ riêng nhà ông Bốn tôi vẫn thấy bí hiểm. Tiếng băm thịt ở nhà ông nghe như tiếng mõ kêu cứu. Tiếng rú của chó bị cắt tiết nghe rùng rợn. Tuy thằng Cù Lao đã cho biết nhà ông Bốn Rị cũng như nhà chú Năm Mùi, có hai chái, tám cột. Đồ đạc cũng là giường ghế, nồi niêu, rổ rá. Mọi vật đều bình thường, chẳng có gì ghê rợn cả. Tôi biết vậy, nhưng khi đến trước nhà ông Bốn tự nhiên tôi dừng lại. Tôi vừa sực nhớ trước đây tôi với mấy đứa mất dạy đã ném đất vào đầu ông. Nay gặp tôi ông lại chẳng trả thù, nện cho tôi một trận. Nghĩ đến đây tôi chỉ dám nhìn qua hàng rào. Ông Bốn tay cầm con dao phay, đứng trong nhà trông quá dữ tợn. Tôi định rút lui. Nhưng nhớ lại việc chú Năm Mùi bắt buộc tôi phải đến giúp thằng Cù Lao dạy cho ông Bốn học, tôi phải dừng lại. Đợi ông Bốn đi khuất vào bếp, tôi nhón chân gọi khẽ:

- Cù Lao ơi! Cù Lao ơi!

Thằng Cù Lao như biết tôi đang lảng vảng ngoài rào, chạy ra gọi:

- Ông Bốn đợi Cục đó!

- Đợi để chi?

- Để dạy ông học. Ông thích lắm!

Tôi hơi vững dạ rón rén bước vào. Ông Bốn đang ngồi lóc thịt. Vừa thấy tôi, ông vung con dao sáng quắc, nhưng ông lại cười:

- Chú Cục đó hả? Hay lắm!

Rõ ràng ông Bốn đã làm tôi yên tâm. Ông đứng lên đi đẩy lửa. Ông vừa lóc thịt vừa đun lửa trong bếp. Đó không phải là một cái bếp bình thường như thằng Cù Lao nói, mà là một cái bếp bất thường. Bếp có đến ba bộ ông táo. Tất cả đang cong lưng đội một cái chảo và hai cái nồi to bự. Ngoài ra, còn có ba bộ ông táo khác sắp thành một hàng sẵn sàng nhận việc. Tất cả chảo nồi đều sôi sùng sục và tỏa khói thơm. Quanh bếp còn úp không biết bao nhiêu nồi đất, đủ loại to nhỏ. Thằng Cù Lao ở trần, xắn quần đến tận bẹn, chạy rút con dao phay, lật chiếc thớt, bê một đùi thịt chó đặt lên thớt, chặt lia lịa. Nó tỏ ra thông thạo như đã lâu năm làm nghề băm thịt. Tôi bật cười. Nó cười theo rồi băm càng nhanh, càng chính xác.

Tôi nhìn vào nhà trên. Ở Hòa Phước, nhà trên thường nhìn ra ngõ. Đằng này, nhà trên của ông Bốn lại xây lưng ra ngõ, mặt úp vào vườn. Sau vườn, ông Bốn trồng cây chanh, cây ổi, cây bồ quân có bóng râm mát. Lại có khóm bông trang, có hoa nở, có bướm bay chấp chới. Quanh nhà sạch bóng. Nhà bếp nhiều khói, ồn ào. Nhà trên tĩnh mịch. Nắng trưa nằm ngủ trên giàn thiên lý. Tiếng thái thịt vào đến hiên bỗng lu mờ. Ông Bốn cũng thờ tiên thờ phật. Bốn bức tranh treo trên vách vẽ bốn ông tiên. Một ông râu dài mắt xếch đầy vẻ ung dung cưỡi một con hạc đang sải cánh trên rừng tùng. Một ông bụng to đang nghểnh cổ trút nậm rượu vào mồm, đầy vẻ khoan khoái. Ông thứ ba râu rậm cưỡi con ngựa trắng khoan thai đi vào rừng mai nở rộ. Ông thứ tư râu tóc bạc phơ phóng cần câu trầm ngâm câu cá. Bên trên bàn thờ, ở chỗ cao nhất đặt một cái khám. Trong khám có đức Quan âm ngồi trên tòa sen, mười ngón tay chắp vào nhau đang tụng niệm.