Выбрать главу

Như vậy sau những cuộc chiến đấu ác liệt, núi cũng như sông ở quê nội của thằng Cù Lao đã hình thành, hiện nay còn nguyên như cũ.

* * *

Câu chuyện vẫn tiếp tục.

Nhờ những trận đánh trả quyết liệt của vị Thượng Ngàn, nhân dân đã sống sót. Nhưng sau trận lụt bão, nạn dịch tả lại hoành hành.Một năm bệnh đậu mùa làm người chết như rạ. Viên quan dưới âm phủ lo về nhân thế bộ không ghi hết danh sách. Một số cô hồn phải ở lại trần gian. Chúng nổi lên phá phách, bắt mọi người phải cúng lễ. Một số thay đổi hình dạng. Có lúc chúng biến thành chim, thành cá hoặc thành những ông già, hoặc những người bạn thân thiết. Có người đang ngồi nói chuyện với một người bạn, chợt người bạn đó hoá thành hai, giống nhau như đúc. Người nào cũng cho mình là bạn thật, làm không biết đâu là thật, đâu là giả. Bọn ma quỷ gieo rắc hoang mang giữa bạn bè, anh em, cha con. Cuộc sống bị đảo lộn. Vừa lúc đó có một vị đạo sĩ ra đời. Ngài biết con đường đi vào trăng sao và con đường đi vào lòng người. Do đó thật hư ngài đều hiểu rõ. Ngài cầm chiếc quạt nan, mặc áo vải, đi chân đất, nhưng đến đâu bọn ma quỷ đều khiếp sợ. Vị đạo sĩ dùng bùa chú, tập hợp các loại âm hồn giảng giải:

- Ta không hiểu sao các ngươi cứ làm tổn hại đến sinh linh. Nếu người sống còn lại ít thì tất nhiên việc lễ bái cũng sẽ ít đi. Số chết đi biến thành ma quỷ ngày càng đông, thì cái ăn của các người càng bị thiếu. Cái ăn càng thiếu thì dễ sinh làm bậy. Ta khuyên các ngươi nên tập hợp lại, làm giấy khai với Diêm Vương để xin hoá kiếp. Kẻ vì việc nghĩa phải chết, đầu thai làm bậc thánh hiền hoặc làm thành cây tùng cây bách đùa reo với gió. Kẻ vô tội sẽ hoá kiếp làm người đi cày đi cấy. Kẻ phạm tội sẽ đầu thai vào muôn loài điểu thú, tự tìm lấy mà ăn, ung dung ngày tháng. Có cần gì phải làm điều phi nghĩa. Ta có thể tâu với Nam Tào giúp các ngươi làm việc đó. Nếu các ngươi trù trừ, sẽ mang lấy hoạ!

Bọn ma quỷ nổi lên hú hí om sòm. Rốt cục chúng chia làm hai phe: một phe đi đầu thai hoá kiếp, một phe chứng nào tật ấy cứ phá phách trong nhân dân. Vị đạo sĩ luyện tay ấn, dùng bùa phép dồn chúng lại ở những nơi hoang vắng. Ở quê tôi, bọn cứng đầu cứng cổ đó bị nhốt lại ở chòm đa Lí. Đó là một mảnh đất hoang có nhiều cây đa âm u cao vút. Gốc đa xù xì đầy hang hốc, cành đa cao to, lông lá chéo nhau thành một vòm kín mít. Chốc chốc vài quả đa rơi lộp độp. Có tiếng rào rào như có ai đang nhảy nhót trên cao, kẻ bạo dạn nhất qua đây cũng phải co giò bỏ chạy. Vào lúc trời hửng sáng hoặc lúc có mưa lâm thâm, có người đã thấy bọn quỷ Bạch Thố Năm Nanh ngồi đu đưa trên cành cây vừa ru con vừa chải chấy, tóc xoã dài tới đất. Ai chẳng may nhìn thấy chúng đều bị nổ mắt hoặc phải hộc máu trào cơm. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, đêm đêm những ngọn lửa ở đó cứ chập chờn, lúc phụt tắt như ma trơi trông rất ghê sợ!

Vị đạo sĩ dẹp xong bọn ma quỷ, nhân dân yên ổn làm ăn. Lúc đầu họ chỉ biết trồng ngô và cấy lúa. Một hôm có vị tiên nữ tên là Tây Lăng đang đi du sơn du thuỷ, chợt thấy trước mắt phong cảnh hữu tình. Đó là con sông Thu Bồn giống như dải thắt lưng của tiên nga múa lượn. Hoa màu trải ra như gấm vóc. Nhớ đến cảnh những nàng tiên ngồi quay tơ ca hát, bà Tây Lăng nghĩ nên bày cho nhân dân ở đấy trồng dâu và nuôi tằm. Nhờ bà Tây Lăng, bãi dâu dọc sông Thu Bồn trải ra xanh nghít. Tiếng thoi reo vui, lụa phơi óng ánh. Dân vùng tôi lập miếu thờ bà. Hai chữ Tây Lăng hơi khó nhớ nên mọi người đều gọi là Bà Tằm. Hôm nào cúng tế, miếu Bà Tằm mở cửa. Lệ làng cứ ba năm một lại tổ chức hát hội để tế bà. Đó là những ngày hội lớn, không có vui nào sánh với cái vui đó được!

* * *

Khi chú Hai Quân ra đời rồi lớn lên, chú thấy đã có miếu Bà Tằm dựng lên thuở nào không biết. Cũng đã có sông Thu Bồn, có chòm đa Lí. Trời đất bốn mùa vẫn thay đổi. Mùa xuân dâu nõn xanh mướt. Cũng là mùa tằm tơ rộn rịp. Mùa hè bãi dâu chuyển sang màu xanh đậm. Nắng to. Đất nứt. Đỗ nẻ. Vừng nổ. Cho đến tháng chín trời bỗng âm u, rồi những cơn mưa tối đất. Con sông Thu Bồn duyên dáng bỗng phềnh to vùng lên gào thét, giống như con bạch tuộc giương những vòi dài vào các làng xóm, dìm tất cả xuống nước. Giữa dòng nước cuồn cuộn đục ngầu, những cây to bị vặt, kết bè trôi xuôi vun vút. Chú Hai tin đó là Diêm Vương sai bọn Hà Bá lên nguồn vặt gỗ đem về làm cung điện. Chú Hai lớn lên, biết trồng dâu nuôi tằm. Chú Hai tin là ở trên trời, chỗ xanh xanh kia, có các vị Thượng Đế đã định trước số mệnh cho con người. Chú Hai lớn lên lấy vợ. Hai năm sau chú sinh được một bé gái đầu lòng. Và sau khi mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây ba trăm sáu mươi lần thì bé gái của chú cũng vừa tròn một tuổi. Vừa lúc đó làng tôi có tổ chức hát bội ở miếu Bà Tằm. Cả làng bỗng rộn lên, cái vui không biết để chỗ nào cho hết. Trẻ con đứa nào cũng hoá nhanh nhẹn. Người lớn động viên:

- Làm cho giỏi đi! Tao cho đi xem hát bội!

Những đứa lì lợm nhất cũng hoá nhanh chân nhanh tay, mọi khó khăn đều vượt được tuốt. Một thiên đàng sắp mở cửa.

Chó sủa gâu gâu như đoán biết một ngày hội to sẽ mở. Lợn đang ngủ trong chuồng bỗng bị gậy thọc vào bụng bắt đứng dậy để xem được bao nhiêu mỡ. Trâu cũng nhớn nhác lo cho số phận của mình. Quán thịt chó bắt đầu dựng. Bọn cờ bạc mang thùng mang đĩa kéo đến. Ngoài đình tiếng lợn rống, tiếng trâu bò bị chọc tiết ậm ò. Dao mác chặt xương nghe lốc cốc. Đến lúc đào kép tề tựu thì cái vui lên đến cực độ.

Chú Hai Quân cũng háo hức như mọi người. Chú thuộc vào hạng giáp phe trong làng, nên càng phải làm việc tới tấp trong ngày lễ hội. Ông xã gọi, ông hương kêu, chỉ dạ dạ vâng vâng cũng không kịp. Ông bảo đằng này, ông sai đằng nọ, mọi việc càng thêm rắc rối. Đêm đầu, làng hát tuồng Ngũ Hổ bình Liêu, hôm sau hát tuồng Sơn Hậu. Chú Hai ngồi băm thịt, bụng dạ cứ để đâu đâu. Người qua người lại luôn luôn tán thưởng:

- Ối chà chà! Vai Đổng Kim Lân hay nổ trời nổ đất!

- Thằng Côi tài quá! Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!

Trống chầu giục giã. Loáng thoáng một vài câu hát nam hát khách từ rạp đưa sang. Chú Hai biết đó là lớp Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá thử lòng trung nghĩa của Tử Trình. Đó là lớp Đổng Kim Lân chém tên cai ngục để đưa bà Phi bế con chạy thoát.