Tiếng trống chầu càng dồn dập. Phật đang ngồi trên bàn cũng phải nhảy xuống đi xem. Chú Hai chịu không được nữa, buông con dao chạy sang rạp hát lúc nào không biết.
Người xem không chen lọt. Chú Hai trèo lên một cành cây thả người xuống mái rạp, vạch tranh dòm xuống. Trên sân khấu, một tướng mặt đỏ. mắt sắc, đầu đội mũ văn có cắm hoa đỏ, mặc áo có rồng thêu, chân đi hia, tay cầm giáo đầy vẻ uy nghiêm. Đó là Đổng Kim Lân đang phò bà Phi chạy trốn. Bà Phi trong bộ đồ tang màu trắng, tay ẵm hoàng tử vừa lọt lòng mẹ. Đổng Kim Lân giục:
- Xin bà dời chỗ chết, mà lên ngựa cho mau!
Đổng Kim Lân đỡ lấy hoàng tử, ẵm hoàng tử vào lòng, trao cho bà Phi cây kiếm. Đổng Kim Lân mời bà Phi lên ngựa:
- Chờ khi nguy biến, ngăn bọn tặc binh, bà kíp thượng trình, đêm thời đã đến!
Đổng Kim Lân cũng lên ngựa rồi hát câu nam chạy:
- Đêm đến mau mau tị nạn. Nát gan vàng đòi đoạn chua cay!
Bà Phi hát tiếp:
- Mấy phen trời đất đổi thay! Càng cao danh vọng càng dày gian nan.
Cả rạp rào rào. Tiếng trống chầu dồn dập.
Đổng Kim Lân vượt qua ải. Đêm tối chập trùng. Chợt bà Phi bị lạc mất. Khương Linh Tá, bạn sống chết của Đổng Kim Lân vừa sa cơ bị giặc giết. Trên tay Đổng Kim Lân, hoàng tử khát sữa nổi khóc. Bọn giặc hò hét đuổi sát sau lưng. Đổng Kim Lân bị lạc giữa rừng sâu, đêm tối mịt mùng không tìm ra phương hướng. Bỗng một cơn gió thổi, rồi một ngọn đèn bỗng chập chờn bên khe núi. Đó là hồn của Khương Linh Tá vừa hiện lên:
- Em đây là Khương Linh Tá!
Xưng tên xong, Khương Linh Tá chỉ về phía trước:
- Không quên lời thề ước, chân trời góc bể phải có nhau. Giặc đang đuổi gấp. Nhắm thành Sơn Hậu khá đi mau!
Đổng Kim Lân bàng hoàng hỏi:
- Tôi vừa chôn anh đó, vậy trần gian âm phủ xa cách thế nào?
Chú Hai bị hút theo Đổng Kim Lân đang ghập ghềnh bước theo bóng ma của Khương Linh Tá. Đổng Kim Lân hát:
- Vin cây, leo đá ngại gì. Đèn soi chính nghĩa, non ghi cảnh tình!
Chợt chú Hai Quân nghe có ai nắm chân kéo. Chú với tay không kịp, ngã quay xuống đất. Chú nổi quát:
- Chơi cái mả tổ bay hả?
Chú chưa dứt lời thì hai cái bạt tai nảy lửa văng vào mặt chú. Chú Hai nhào sấp xuống đất, la to:
- Bớ làng! Bớ làng! Du côn đánh tôi!
Đốp, đốp! Những cái bạt tai khác nên vào mặt, vào tai túi bụi:
- Á! Tao là du côn hả! Mày chửi tao là chửi tiên sư làng này.
Chú Hai cố mở mắt. Thằng lí trưởng mặt đỏ như lửa, quát:
- Việc cúng tế, việc trên đầu trên cổ. Mâm cúng chưa xong, mày dám đi mất. Gọi mày xuống mày chửi. Dân đâu! Trói nó lại! Căng nó ra giữa đình cho tao!
Nó chỉ vào bọn thủ hạ, gầm lên:
- Trù trừ gì? Mau lên!
Bọn thủ hạ xông vào. Chú Hai la làng inh ỏi:
- Bớ làng! Xã Cống giết tôi! Bớ làng...
Chú vừa thét vừa đấm đá, giãy giụa. Bọn anh em xã Cống ập lại vật chú ngã xuống, đè lên người, cởi dây thắt lưng trói quặt hai cánh tay và hai chân chú lại.
- Bớ làng bớ xóm! Cứu tôi với! Nó giết tôi rồi! Tổ cha mày!
Thằng xã Cống chạy rút chiếc roi mây, quất tới tấp:
- Chửi này! Chửi này! Phản này! Nghịch này!
Chiếc roi trên tay xã Cống đã nát. Quần áo chú Hai rách bươm, khắp người rớm máu. Xã Cống vứt roi, đi thẳng vào rạp hát, cầm dùi đánh chầu bảo cứ tiếp tục hát.
Khắp sân đình người đổ ra đông như kiến. Họ dớn dác gọi nhau, chen lấn, xô đẩy, cố xem tận mắt người bị đánh:
- Bà con ơi! Có người bị giết!
- Ớ làng nước ơi! Có kẻ giết người!
- Nó sắp chết rồi! Có án mạng rồi!
- Nó phá làng không cho hát!
- Mặt mày nó hung ác lắm!
- Nó là thằng Hai Quân, du côn làng này đó!
Có người bị đẩy ngã ập lên trên chú Hai.
Chú Hai bị trói phơi giữa sân đình. Đến chiều tiếng rên rỉ của chú yếu dần, cặp mắt chú cứ nhắm lại. Thím Hai hoảng sợ chạy lên chạy xuống kêu khóc ầm ĩ. Việc đã khẩn cấp. Có người bày cho thím Hai đặt một khay trầu cau đến xin xã Cống tha cho chú. Bọn hào lí bàn ra bàn vào cho là kẻ quân tử không nên chấp đứa tiểu nhân. Thím Hai phải lạy mấy lạy, xã Cống chịu cho chú Hai cởi trói.
Bà con cõng chú Hai về nhà, tìm ngải cứu dầm với rượu đắp vào những chỗ toạc máu. Mười lăm hôm sau chú Hai ngồi dậy được. Ngoài làng, cột cờ dựng giữa sân đình đã hạ xuống, rạp hát từ lâu đã dỡ đi, cuộc sống đã trở lại như cũ. Mỗi buổi sớm, vẫn bọn bồ chao hú gọi ngoài bờ tre làng. Chiều tối, vẫn tiếng trống thu không khắc khoải. Mọi vật đâu đó vẫn y nguyên. Nhưng trong lòng chú Hai đã có cái gì rạn vỡ. Chú không còn cái vui làm lụng để nuôi vợ nuôi con. Chú dửng dưng với nụ cười của bé gái. Thím Hai nói động gì là chú nổi lên quát mắng. Cuộc sống chung quanh trở nên bức bối. Những cảnh áp bức bị xoá mờ nay lại hiện lên. Chú nhớ lại có lần chú đi khiêng đám ma, chú khiêng chổng đòn vì người chú cao. Người chú cao hay thấp, cái đó do bà mụ nặn ra, nhưng chú bị bọn lí hương quát mắng. Chú nhớ lại tháng nào trong làng cũng có tiếng trống mõ báo động, việc đốt nhà trộm trâu xảy ra liên tiếp. Người bị cùm kẹp ở điếm canh gào khóc trong mùa sưu thuế. Kẻ bắt ốc mò cua lùng sục trong ao sình vào những ngày tháng đói. Những ma đậu mùa dịch tễ gào rống. Chú Hai không hiểu vì sao một khi con người sinh ra phải chịu bao nhiêu tai hoạ. Chú nhớ đến Đổng Kim Lân, tai hoạ cứ dồn dập kéo đến. Đổng Kim Lân còn được hồn Khương Linh Tá hiện lên soi đường. Còn thân phận của chú!.. Khi nhớ lại mình bị cột ở sân đình dưới cặp mắt chê cười của thiên hạ, chú nghe hoảng hốt. Một tiếng gà gáy. Chú Hai giật mình biết suốt đêm chưa ngủ. Chợt một ý nghĩ bật sáng:
- Phải bỏ làng ra đi!
Cái ý nghĩ đó cứ bám riết lấy chú.
Chú Hai hoá lầm lì. Một hôm chú cặm cụi lột lá mía đem giọt lạị chỗ dột trên mái nhà, che lại tấm phên để gió khỏi lọt, sửa lại cái vành nôi của con bé. Chiều đó, chú bỏ thêm gạo vào nồi. Ăn xong còn gói một gói, nói là sớm mai vào rừng đốn củi. Tối, chú đi nằm sớm. Một chốc sau quanh làng đã im lặng. Chú Hai khe khẽ ngồi dậy, chú cột mo cơm trên cây đòn xóc, đẩy cửa bước ra. Bên ngoài, trời tối như mực. Trên trời không một vì sao. Vài con đom đóm kéo những vệt sáng nhì nhằng. Cơn mưa đã tạnh, nhưng tiếng động cứ vang lại từ xa. Chú Hai ra khỏi làng. Chú vừa đi vừa chạy. Đi đâu chú cũng chưa biết, chỉ biết cần xa làng, xa cuộc sống chung quanh cái đã. Có thể đến một người bà con cũng bỏ làng ra đi, hiện nay đang làm nghề trồng chè đâu ở vùng núi Trường Định, Phò Nam bên kia núi Chúa. Đến đó cái đã, đi đâu hãy hay. Chú tránh những con đường lớn. Trên những con đường đó có vô số điếm canh. Ra khỏi làng không có giấy căn cước sẽ bị bắt. Chú men theo những con đường nhỏ, vượt qua cánh đồng đầy tiếng ếch nhái van vỉ. Chú xuống một cái dốc, vượt qua một bãi dâu. Một con sông hiện ra trước mặt. Giữa khuya, sông không có đò. Trời bắt đầu sáng. Chú Hai chui vào giữa một bãi mía ngồi nghỉ. Những xúc động làm chú mệt nhoài. Chú chợp mắt ngủ lúc nào không biết. Khi tỉnh giấc, trời đã xế chiều. Tiếng con bìm bịp nghe rời rạc. Trên trời, một vài con dơi đen bay chấp chới. Chú Hai chui ra khỏi đám mía, lại tiếp tục đi. Người ta bảo Trường Định, Phò Nam ở bên kia núi Chúa. Đi hết đêm thứ ba, chú dừng trước một con sông. Trời vừa sáng, đò bên kia sông vừa sang. Chú ngồi nép sau một búi dứa, có tiếng người bảo nhau đây là đò Ái Nghĩa. Chú ngạc nhiên, đứng nhìn lên. Đúng bên kia sông là Gò Mùn, trước mặt là sông Ái Nghĩa. Thì ra trong đêm tối chú đã lạc đường, đi quay trở lại. Sang bên kia đò, đi sáu cây số lại trở về thôn cũ. Ở đấy thím Hai và bé gái đang đợi. Một ý nghĩ vụt ra: Hay là ta quay về với vợ con! Chú bước ra khỏi bụi dứa, toan gọi đò. Nhưng chiếc đò đã xô ra khỏi bến. Chú đã lỡ đò! Chú Hai tin lỡ đò là điềm không tốt. Chú lưỡng lự rồi quay gót đi luôn, đi một mạch không nhìn lại.