Chú Hai nhắm hướng mặt trời lặn đi thẳng. Chú đi mãi đến sát những dãy núi phía tây. Đi lẫn vào những nơi có cây cối rậm rạp. Gặp rẫy sắn rẫy khoai, chú dừng lại moi mấy củ ăn để đỡ đói. Nửa tháng sau, chú Hai biết mình đã ở bên kia núi Chúa. Vì khi ở nhà, ánh điện ban đêm của xứ Hàn ở về phía bắc. Nay cũng ánh sáng đó đã nằm về phía đông nam. Như vậy Phò Nam, Trường Định, nơi có người bà con trồng chè cũng không còn xa nữa.
Trước mắt là một cánh rừng. Vượt qua cánh rừng, chú Hai sẽ men theo những sườn đồi thoai thoải đi xuống phía đông. Nơi đây đã xa nhà, không còn lo sợ có người rượt theo đuổi bắt. Buổi sớm sương xuống dày đặc, đọng mãi đến nửa buổi chưa tan. Chú Hai nhớ mình đi đã lâu nhưng bụi bờ gai góc cứ trải ra như không bao giờ hết. Chợt rừng núi chung quanh trở tối mịt. Gió thổi ào ào. Một tia chớp sáng loá. Sấm nổ! Mưa! Một trận mưa to chưa từng thấy, tưởng như có hàng vạn chiếc chum đang trút nước trên cao! Đói rét và gió mưa đã làm chú Hai kiệt sức. Chân tay tê cóng, chú Hai bước chập choạng. Chợt chú có cảm giác như mình vừa bị rơi vào một chỗ nào đó, sâu lắm, sau đó không còn biết gì nữa!
Chú Hai bừng mắt, thấy mình đang nằm trong một căn nhà nhỏ. Khắp nhà vắng tanh, xa xa một bóng đèn leo lắt. Có tiếng hỏi:
- Đã tỉnh chưa?
Chú Hai mở mắt thấy một ông già. Ông già hỏi:
- Có biết tôi là ai không?
Chú Hai nhìn chăm chăm rồi lắc đầu. Ông giá bước tới cầm tay chú. Ông lấy ngón tay trở và ngón tay giữa bấm vào cổ tay chú Hai xem mạch. Chú Hai dần dần nhớ lại những việc đã xảy ra. Một vị quế cay cay đọng lại trong mồm. Ông già lấy cháo loãng đút cho chú mấy thìa, chú Hai tỉnh hẳn lại. Ông già nói rõ từng tiếng:
- Cha mẹ ở hiền thì con cháu gặp lành, Làm điều ác thì ác báo, làm điều thiện thì thiện báo. Tôi đi với mấy người tìm cây tìm lá, tưởng đã gặp người nào bị hổ tha. Khi đến gần thì ra gặp chú, mình mẩy thấy vẫn còn nguyên, ngực nghe còn âm ấm. Tôi nói với anh em nên cứu người để lưu cái phước cho con cháu. Họ cõng chú về đây, may chú sống được!
Ông già hỏi chú Hai ở đâu đến và đến đây có việc gì. Chú kể dần đầu đuôi câu chuyện. Ông già thở phào:
- Thế thì Trường Định cũng gần đây thôi. Ở đây nhiều chè. Người bà con trồng chè ở đâu không biết.
Ông già khuyên chú Hai nên ở lại với ông, đợi ít lâu, thế nào chú cũng gặp được người bà con của chú.
Chú Hai đã ở lại với ông già. Chú Hai tính vốn chịu khó, chú cắt tranh lợp lại mái nhà, đốt rẫy trồng khoai, đan thúng mủng. Chú tìm đá đục được một cái cối giã gạo. Ông già rất mến.
Ông già cho biết tên mình là Tùng Sơn. Bác Tùng Sơn nguyên là người dưới xuôi lên đây làm rẫy. Một người cháu trai lên đây với bác, nhưng người đó đã bỏ về làng vì không chịu nổi cái buồn ở rừng núi. Khi trò chuyện, bác Tùng Sơn hay dẫn nhiều chữ nho. Bác từng thi đỗ tam trường gì đó, sau về làm ruộng. Bác thuộc làu các sách sử. Những đêm trăng, giữa tiếng cây lá rì rào, bác kể chuyện đời Xuân thu Chiến quốc, chuyện tướng này đánh với tướng khác, vua này đánh với vua khác, đánh ở đâu, vì lẽ gì, ai thắng, ai bại, bác đều nhớ hết. Bác Tùng Sơn giảng giải:
- Đời nào cũng có anh hùng. Đời nay cũng không thiếu. Họ thường ẩn núp chốn núi non.
Chú Hai đánh bạo:
- Gặp được họ, ta đi làm giặc coi cũng sướng! Nghiệt nỗi ta không có súng!
- Không có súng là tại ta! Ta học hành lèm nhèm quá. Nếu ta biết hết được những lẽ huyền vi trong kinh điển, ta cũng đúc được súng. Như trong Kinh Dịch, phép đúc súng, đúc máy bay đều có dạy. Lời lẽ thánh hiền thường khó hiểu, không thể biết được!
Bác Tùng Sơn còn thuộc vô số những bài thơ cổ. Bác thuộc làu làu, không chỉ biết tên tác giả mà còn biết tên người chú thích. Nhiều câu hát tuồng, chú Hai chưa hiểu nghĩa, bác Tùng Sơn giảng giải cho chú nghe rất rõ ràng. Chú Hai hỏi:
- Bác nhớ nhiều làm chi cho nặng bụng?
- Có muốn vậy đâu. Nhưng đọc đâu nhớ đó, cạy không ra nữa. Một lần tôi đi thi, quan chủ khảo ra bài phú có chữ "lãng", nghĩa nó là sóng. Tôi thuộc từ điển vần, biết đó là chữ "lang" chứ không phải chữ "lãng". Khi làm bài tôi gieo vần theo vần lang. Bọn chấm thi là đồ ngu dốt. Tôi bị đánh hỏng.
Chú Hai cười:
- Sao bác không làm ông kí ông thông cho sướng? Lên rừng làm rẫy chi cho mệt!
- Cực chẳng đã tôi phải bỏ làng!
Chú Hai ngờ bác Tùng Sơn cũng từng chạm trán với lí trưởng:
- Bọn lí trưởng đánh người.
Bác Tùng Sơn liền nghiêm nét mặt:
- Chúng không dám động đến cái lông chân tôi đâu! Bọn quan trên cũng phải nể mặt...
Thì ra không chỉ những người bị đánh đập mới bỏ làng ra đi. Cả những người học giỏi, thông minh, được vị nể cũng phải bỏ làng đi lên núi.
Bác Tùng Sơn như ôn chuyện cũ: