Выбрать главу

— Chúng ta sẽ tưởng nhớ các đồng chí đã mất! — Trưởng đoàn nói và mở máy chiếu, trên màn ảnh xuất hiện hình con tàu «An-gráp» được quay phim trước khi «Tan-tơ-ra» khởi hành.

Tất cả đều đứng dậy. Trên màn ảnh, hình các đoàn viên đoàn thám hiểm «An-gráp» nối tiếp nhau hiện lên một cách thong thả: bảy người cả thảy, người thì nghiêm trang, người thì mỉm cười. Éc-gơ No-rơ gọi tên từng người, và các nhà du hành chào vĩnh biệt những người đã khuất. Đấy là tục lệ của các phi công vũ trụ. Những con tàu đi với nhau bao giờ cũng có những bộ ảnh chụp tất cả mọi người trong đoàn. Các con tàu mất tích có thể lang thang lâu trong không gian vũ trụ, các các nhân viên trên tàu có thể vẫn còn sống trong thời gian dài.

Điều đó không có nghĩa lý gì: con tàu không thể trở về được. Không có chút khả năng thực tế để tìm được nó, cứu nó. Cấu tạo máy móc của con tàu hoàn hảo đến mức những hư hỏng nhỏ hầu như không bao giờ xảy ra hay cũng dễ sửa chữa. Còn những hư hỏng nghiêm trọng thì chưa bao giờ cứu vãn được trong vũ trụ. Đôi khi, cũng như «Cánh buồm», các con tàu đã kịp phát đi những tin tức cuối cùng. Tin truyền đi phần lớn là không tới đích, vì định hướng phát tin cho chính xác là việc khó khăn không thể tưởng tượng được. Qua hàng ngàn năm, các đài phát của Vành-khuyên vĩ đại đã dò được những hướng chính xác, và hơn nữa, có thể thay đổi các hướng đó khi truyền tin từ hành tinh này đến hành tinh khác. Các con tàu vũ trụ thường đến những khu vực chưa được nghiên cứu, ở đó người ta đoán ra được hướng phát tin chỉ là do tình cờ.

Nhiều phi công vũ trụ tin chắc rằng trong vũ trụ có những trường trung tính nào đó, hay là những khu vực-không, trong đó mọi bức xạ và tin truyền đi đều chìm nghỉm như viên đá ném xuống nước. Nhưng cho đến nay, các nhà thiên văn vật lý vẫn cho trường-không chỉ là điều tưởng tượng hão huyền của những nhà du hành vũ trụ ưa thích những chuyện hoang đường kỳ quặc.

Lễ tang xong, đến một cuộc họp bàn không lâu, sau đó, Éc-gơ No-rơ mở các động cơ a-na- mê-dôn. Bốn mươi tám tiếng sau, chúng ngừng hoạt động và mỗi ngày đêm con tàu đi được hai mươi mốt tỷ ki-lô-mét về gần hành tinh quê hương. Còn phải bay ngót sáu năm Trái đất (năm độc lập) mới về đến hệ mặt trời. Ở Trạm điều khiển trung tâm và trong thư viện kiêm phòng thí nghiệm, công việc bắt đầu sôi nổi: người ta tính toán và vạch hành trình mới.

Cần làm sao bay suốt sáu năm mà chỉ dùng a-na-mê-dôn để sửa đường bay. Nói cách khác, cần con tàu như thế để tiết kiệm gia tốc được nhiều nhất. Mọi người đều lo ngại về khu vực 344-2U nằm giữa mặt trời và «Tan-tơ-ra». Đây là khu vực chưa được nghiên cứu, mà không có cách nào tránh nó được: suốt từ đây về mặt trời, dọc theo hai bên khu vực đó là những miền thiên thạch tự do, chưa kể là khi đổi hướng, con tàu bị mất gia tốc.

Hai tháng sau, đường bay đã tính toán xong «Tan-tơ-ra» bắt đầu vạch một đường cong đẳng cường thoai thoải.

Con tàu tuyệt diệu hoạt động hoàn toàn tốt, tốc độ bay được duy trì trong giới hạn đã tính.

Bây giờ giữa con tàu và Tổ quốc chỉ còn bốn năm bay nữa.

Éc-gơ No-rơ và Nhi-da đã hết phiên trực, cả hai đều mệt mỏi, họ bắt đầu ngủ một giấc dài, và cùng với họ, một số người cũng đi vào trạng thái tạm ngừng sống: hai nhà thiên văn, một nhà địa chất, một nhà sinh vật học, một bác sĩ và bốn kỹ sư.

Kíp trực thay gồm có: Pen Lin, một nhà du hành vũ trụ có kinh nghiệm, đi lần này là lần thứ hai, nhà thiên văn In-gơ-rít Đi-tơ-ra và kỹ sư điện tử Cai Be người đã tình nguyện gia nhập đoàn thám hiểm. Được Pen Lin cho phép, In-gơ-rít Đi-tơ-ra thường lui vào thư viện cạnh trạm điều khiển. Cùng với Cai Be, một người bạn lâu năm, chị viết bản giao hưởng đồ sộ «Sự hủy diệt của một hành tinh» nói lên cảm xúc về tấn thảm kịch của hành tinh Diếc-đa.

Pen Lin mệt mỏi về nhạc điệu của các khí cụ và vì quan sát những vực thẳm đen ngòm của vũ trụ, anh bảo In-gơ-rít ngồi vào bàn điều khiển thay anh, còn anh thì say mê tìm hiểu những chữ viết bí ẩn được đưa về từ một hành tinh trong hệ thống những sao gần nhất của chòm sao Nhân-mã. Người ở hành tinh này đã rời bỏ hành tinh, không rõ vì nguyên nhân gì.

Anh tin rằng cái việc mò kim đáy bể này của anh nhất định thành công.

Những người trực đổi phiên cho nhau hai lần nữa, con tàu đã tới gần Trái đất được mười ngàn tỷ ki-lô-mét, mà các động cơ a-na-mê-dôn chỉ hoạt động có mấy giờ.

Phiên trực của nhóm Pen Lin sắp hết. Đây là phiên trực thứ tư kể từ khi «Tan-tơ-ra» rời khỏi địa điểm gặp gỡ hụt với «An-gráp».

Nhà thiên văn In-gơ-rít Đi-tơ-ra đã tính toán xong, chị trở lại chỗ Pen Lin. Vẻ mặt ưu sầu, anh theo đang dõi những chiếc kim đỏ lay động không ngừng trên các vòng cung chia độ màu xanh da trời của những khí cụ đo trường hấp dẫn. Sự trì chậm thường có của các phản ứng tâm lý, điều này mà ngay cả những người có thần kinh vững mạnh nhất cũng không tránh khỏi, đã bộc lộ ra trong nửa sau của ca trực. Qua nhiều tháng nhiều năm, con tàu bay dưới sự điều khiển tự động, theo đường bay đã vạch sẵn. Nếu xảy ra biến cố gì phi thường mà hệ thống tự động điều khiển con tàu không đủ khả năng xét đoán thì con tàu thường gặp tai nạn bi thảm, vì sự can thiệp của con người không cứu vãn nổi. Bộ óc của con người, dù được tập dượt chu đáo đến đâu, cũng không thể phản ứng đủ mau lẹ.

— Theo tôi, chúng ta đã đi sâu vào khu vực chưa được nghiên cứu 344+2U từ lâu rồi.

Trưởng đoàn muốn đích thân trực tại đây — In-gơ-rít nói với nhà du hành vũ trụ.

Pen Lin nhìn máy tính ngày.

— Hai ngày nữa thì thì đằng nào chúng ta cũng giao ca. Hiện thời chưa thấy có gì đáng chú ý. Ta trực cho đến hết phiên chứ?

In-gơ-rít gật đầu đồng ý. Cai Be từ các căn buồng phía đuôi tàu tới và ngồi vào chiếc ghế bành của mình gần giá đặt máy giữ thăng bằng. Pen Lin ngáp và đứng lên.

— Tôi sẽ ngủ mấy giờ — anh nói với In-gơ-rít.

Chị ngoan ngoãn rời khỏi bàn của mình, đi tới bàn điều khiển phía trước.

«Tan-tơ-ra» vẫn bay trong khoảng không tuyệt đối, không hề tròng trành. Các khí cụ Vôn Hô-đơ cực nhạy không phát hiện thấy một thiên thạch nào dù là ở xa. Lúc này đường bay của con tàu hơi chệch khỏi hướng đi về phía mặt trời: hai hướng cách xa nhau nửa năm bay.