Giọng nói của Vê-đa ngân vang đầy vẻ hân hoan — dường như chị có được sức mạnh của tất cả mọi thế hệ trên Trái đất, những thế hệ mà ngày nay đã phát triển cao đến mức ý định của họ vượt ra ngoài giới hạn Thiên-hà của chính họ, hướng về những đảo sao khác của vũ trụ.
Một tiếng chuông đồng vang lên: đấy là Vê-te chuyển tay gạt ngắt luồng năng lượng. Màn ảnh tắt. Trên tấm bảng trong suốt phía bên phải còn lại cột sáng của kênh sóng mang.
Vê-đa mệt mỏi và lặng lẽ, thu mình lọt thỏm trong chiếc ghế bành lớn. Đa-rơ Vê-te kéo Mơ-ven Ma-xơ ngồi xuống sau bàn điều khiển, và cúi xuống gần vai anh. Trong bầu không khí lặng phắc như tờ, chỉ thỉnh thoảng có tiếng lách tách rất khẽ của những chốt chặn tay quay. Đột nhiên, cái màn ảnh khung vàng biến mất, và ở chỗ của nó, một khoảng sâu không thể tưởng tượng được hiện ra. Vê-đa Công lần đầu tiên thấy điều kỳ diệu ấy, chị buột ra một tiếng thở dài âm vang. Thực vậy, cảnh tượng đó bao giờ cũng đáng ngạc nhiên, dù là đối với một người biết rõ con đường phức tạp của sự giao thoa sóng ánh sáng khiến cho phạm vi quan sát đạt mức độ rộng và sâu như thế.
Mặt tối của một hành tinh lạ tới gần, mỗi giây một to lên. Đấy là một hệ sao đôi cực hiếm, trong đó hai mặt trời cân bằng nhau, khiến cho các hành tinh của chúng có quỹ đạo đều và sự sống có thể xuất hiện ở đó. Cả hai mặt trời — một vàng da cam, một đỏ thắm nhỏ hơn mặt trời của chúng ta — chiếu sáng một biển băng, và những khối băng dường như màu đỏ. Ở rìa một cao nguyên màu đen, một tòa nhà khổng lồ, thấp lè tè hiện ra trong ánh phản quang màu tím bí ẩn. Tia thị giác chiếu vào cái sân trên mái, dường như xuyên qua mái, và mọi người đều thấy một người có nước da màu xám, mắt tròn như mắt cú, viền những vòng lông tơ màu trắng bạc. Người này rất cao, nhưng thân hình mảnh dẻ, chân dài như những chân vòi.
Người đó chúi đầu xuống một cách kỳ cục, tuồng như hấp tấp cúi chào, và hướng cặp mắt lãnh đạm như hai ống kính về phía màn ảnh, mở cái miệng không môi được che đậy dưới cái nắp bằng da mềm giống như cái mũi. Lập tức, tiếng nói du dương, êm dịu của máy dịch vang lên: — Đap Phơ-tet, chủ nhiệm thông tin đối ngoại của Thiên-nga 61, hôm nay chúng tôi phát tin cho ngôi sao vàng SLT 3388+04JF… Chúng tôi phát tin cho…
Đa-rơ Vê-te và I-u-nhin An-tơ nhìn nhau, còn Mơ-ven Ma-xơ xiết chặt cổ tay Đa-rơ Vê-te trong giây lát. Đấy là tín hiệu gọi Trái đất, nói cho đúng hơn là gọi cho hệ hành tinh của mặt trời. Hồi xưa, các nhà quan sát của các thế giới khác coi hệ hành tinh chúng ta là một vệ tinh lớn duy nhất quay một vòng quanh mặt trời trong năm mươi chín năm Trái đất. Trong khoảng thời gian ấy, có một lần Thiên-vương-tinh và Mộc-tinh ở vị trí xung đối, khiến cho mặt trời bị chuyển chỗ, vì thế các nhà thiên văn của những ngôi sao ở gần đã thấy được nó.
Các nhà thiên văn của chúng ta cũng phạm sai lầm như thế đối với nhiều hệ hành tinh từ thời xửa thời xưa, người ta đã khám phá ra ở quanh các ngôi sao khác nhau.
Vội vã hơn cả lúc bắt đầu buổi phát tin, I-u-nhi An-tơ kiểm tra lại bộ điều chỉnh của máy nhớ và số chỉ của các khí cụ OES — tức là các khí cụ coi sóc hoạt động chính xác của máy.
Giọng nói thản nhiên của người phiên dịch điện tử vẫn tiếp tục: — Chúng tôi đã nhận được thông tin hoàn toàn rõ phát đi từ sao… — lại một loạt con số và những âm thanh ngắt quãng — đây là do tình cờ, không phải trong thời gian phát tin của Vành-khuyên vĩ đại. Họ không đoán hiểu được ngôn ngữ của Vành-khuyên và hao phí năng lượng một cách vô ích để phát tin trong những giờ im lặng. Chúng tôi đã trả lời họ trong lúc những chính họ đang phát tin. Sẽ sẽ biết kết quả sau ba phần mười giây… — Tiếng nói im bặt.
Các máy báo hiệu tiếp tục sáng, trừ con mắt màu lá mạ đã tắt.
— Trong thời gian phát tin vẫn có những lúc gián đoạn như thế, nguyên do vẫn chưa biết vì sao. Có lẽ vì trường trung tính mà các phi công vũ trụ vẫn đồn đại đang xen vào giữa chúng ta. — I-u-nhi An-tơ giải thích cho Vê-đa.
— Ba phần mười giây Thiên-hà tức là ngót sáu mươi năm — Đa-rơ Vê-te lầu bầu với vẻ cau có. Xin hỏi chúng ta chờ như thế để làm gì kia chứ?
— Theo tôi hiểu, ngôi sao mà họ bắt liên lạc là sao Đỗ-quyên Ép-xi-lon, chòm sao ở bầu trời phương Nam — Mơ-ven Ma-xơ lên tiếng — chòm sao này cách chúng ta chín mươi pác-xếc, ở gần giới hạn liên lạc thường xuyên của chúng ta. Hiện giờ ta chưa lập được những liên lạc ra xa hơn Đê-nép.
— Nhưng chúng ta vẫn nhận tin của cả trung tâm Thiên-hà và của những tinh đoàn cầu đấy chứ?
— Có, nhưng không đều, do tình cờ mà bắt được hay nhờ vào các máy ghi nhớ của những thành viên khác trong Vành-khuyên, những thành viên này tạo thành một chuỗi kéo dài vào không gian của Thiên-hà — Mơ-ven Ma-xơ đáp.
— Những tin gửi đi từ hàng nghìn, hàng vạn năm trước không bị thất lạc vào trong không gian và cuối cùng vẫn đến được với chúng ta. — I-u-nhi An-tơ nói thêm.
Nhưng như thế có nghĩa là chúng ta biết rất muộn về sự sống và nhận thức của những người ở các thế giới khác, chẳng hạn đối với các vùng ở trung tâm Thiên-hà thì muộn mất hai mươi ngàn năm ư?
— Đúng, bất kể những điều cho biết là do các máy ghi nhớ của các thế giới ở gần ta phát đi hay do các trạm của chúng ta bắt được, chúng ta chỉ thấy các thế giới xa xăm trong trạng thái của họ ở những thời cổ xưa. Chúng ta thấy những người đã chết từ lâu và đã bị quên lãng trong thế giới của họ.
— Chẳng lẽ chúng ta đã giành được uy quyền lớn lao như thế đối với thiên nhiên mà ở đây lại bất lực sao? — Vê-đa giận dỗi như trẻ con — Phải chăng không còn cách nào khác để với tới các thế giới xa xăm, ngoài cách dùng tia sóng hay tia Phô-tông[19] ư?
— Tôi hiểu chị, Vê-đa! — Mơ-ven Ma-xơ kêu lên.
Trong Viện hàn lâm giới hạn kiến thức, người ta đang nghiên cứu các dự án khắc phục không gian, thời gian và sức hút bằng cách đi sâu vào các nguyên lý của vũ trụ — Đa-rơ Vê-te xen vào — có điều là họ chưa đạt được tới giai đoạn thí nghiệm và chưa thể…
Con mắt màu lá mạ đột nhiên bừng lên, và Vê-đa lại cảm thấy chóng mặt vì nhìn vào màn ảnh sâu vào vực thẳm không gian.
19
Tia sáng vừa có tính chất sóng vừa có tính chất của một luồng hạt (các Phô-tông). Trong kỹ thuật tương lai, người ta có thể vừa tách biệt, vừa tập trung hai tính chất này.