— Sao «An-gráp» hay sao Quạ Đen-ta! — Nhà sinh vật học kêu lên! — Nó ở xa lắm kia mà.
— Bốn mươi sáu pác-xếc. Nhưng chúng ta chúng ta đang làm những con tàu ngày càng đi được xa hơn…
Nhà sinh vật học gật đầu và lẩm bẩm nói rằng không nên lấy tên một hành tinh đã chết để dặt tên cho con tàu vũ trụ.
— Tuy vậy, ngôi sao không chết mà hành tinh vẫn còn nguyên vẹn. Không đầy một thế kỷ nữa, chúng ta sẽ trồng trọt ở đó và sẽ đưa người lên ở. — Éc-gơ No-rơ đáp quả quyết.
Anh quyết định dùng một kiểu bay khó khăn: chuyển quỹ đạo con tàu từ bay theo vĩ tuyến sang bay theo kinh tuyến, dọc theo trục quay của Diếc-đa. Chưa biết rõ là người ở đó đã chết hết hay chưa thì làm sao có thể bỏ hành tinh mà đi được? Không chừng những người còn sống không thể gọi tàu đến cứu vì các Trạm năng lượng bị hủy hoại và các khí cụ bị hư hỏng chăng?
Không phải lần đầu tiên Nhi-da thấy Éc-gơ No-rơ ngồi bên bàn điều khiển trong giây phút trọng đại của việc lái tàu. Vẻ mặt anh cương quyết, không biểu lộ cảm xúc gì, động tác đột ngột và bao giờ cũng chính xác. Cô có cảm giác anh là một nhân vật thần thoại.
Và «Tan-tơ-ra» lại tiếp tục cuộc bay vô hy vọng xung quanh Diếc-đa, lần này thì bay từ cực nọ đến cực kia. Đây đó xuất hiện những vùng đất rộng trơ trụi, đặc biệt ở các vĩ tuyến giữa. Ở đấy, một lớp sương mù màu vàng lơ lửng trên không trung cho thấy thấp thoáng những cồn cát đồ sộ màu đỏ do gió vun đắp nên, nom lô xô như những lớp sóng.
Tiếp đó lại là những tấm chăn nhung trải dài đượm màu tang tóc, tạo nên bởi những bụi anh túc đen, loại cây duy nhất chống lại được sự phóng xạ hay do phóng xạ mà đã sinh ra sự đột biến có khả năng sinh tồn.
Mọi việc đã trở nên rõ ràng. Trong cái thế giới chết hoang tàn này, chẳng những không có hy vọng gì tìm đâu ra chất a-na-mê-dôn dự trữ cho khách từ thế khác đến theo sự giới thiệu của Vành-khuyên vĩ đại (Diếc-đa chưa có tàu đi tới các vì sao, mới chỉ có tàu liên hành tinh), mà thậm chí việc tìm kiếm đó còn nguy hiểm nữa là đằng khác. «Tan-tơ-ra» bắt đầu từ từ bay ngược trở lên theo theo đường xoáy ốc như lúc đáp xuống. Sau khi đã tăng tốc độ lên mười bảy ki-lô-mét một giây nhờ các động cơ i-ôn liên hành tinh — dùng để bay giữa các hành tinh và cất cánh hạ cánh — , con tàu rời xa hành tinh chết! «Tan-tơ-ra» bay về hướng một hệ thống không có người ở, chỉ dược biết qua con số ký hiệu. Hệ thống này là nơi họ đã phóng ra những trái bom Hải-đăng và là nơi «An-gráp» phải chờ họ. Các động cơ a-na-mê- dôn được phát động. Sau năm mươi hai giờ, sức mạnh của các động cơ ấy đã tạo cho con tàu tốc độ tiêu chuẩn là chín trăm triệu ki-lô-mét một giờ. Từ đây đến chỗ gặp, chỉ còn phải bay mười lăm tháng, hay mười một tháng theo giờ phụ thuộc của con tàu. Trừ những người trực, toàn đội du hành có thể ngủ một giấc triền mên. Nhưng còn phải mất một tháng để thảo luận chung, làm những tính toán và chuẩn bị báo cáo gửi về Hội đồng. Các tài liệu chỉ dẫn về Diếc-đa có nhắc đến những thí nghiệm nguy hiểm về các nhiên liệu nguyên tử phân hủy không hoàn toàn. Họ tìm thấy những bài phát biểu của các nhà bác học xuất sắc trên hành tinh đã chết: các nhà bác học đó đã cảnh báo về việc đã có những dấu hiệu cho thấy sự sống đang chịu ảnh hưởng nguy hại và đòi chấm dứt các vụ thử. Một trăm mười tám năm trước, một lời cảnh báo ngắn, đủ cho những người có trình độ lý luận cao hiểu ra nhẽ, đã được gửi đi khắp Vành-khuyên vĩ đại, nhưng hẳn nó đã không được chính phủ Diếc-đa coi trọng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Diếc-đa diệt vong do sự tích lũy bức xạ có hại sau vô số vụ thử thiếu thận trọng và do việc sử dụng một cách nông nổi những loại năng lượng hạt nhân nguy hiểm, trong khi đáng lẽ phải sáng suốt tìm kiếm những loại năng lượng khác ít nguy hại hơn.
Điều bí ẩn đã được giải đáp từ lâu, đã hai lần, đội du hành trên con tàu vũ trụ chuyển từ giấc ngủ ba tháng sang cuộc sống bình thường cũng dài như thế.
Hiện giờ, đã nhiều ngày đêm, «Tan-tơ-ra» vạch một vòng tròn xung quanh hành tinh xám, mỗi giờ một ít hy vọng gặp «An-gráp». Một cái gì đáng sợ đang tới gần…
Éc-gơ No-rơ dừng lại trên ngưỡng cửa, nhìn Nhi-da đang đăm chiêu suy nghĩ. Mái đầu cúi nghiêng với bộ tóc dầy của cô nom giống như bông hoa vàng mượt mà… Khuôn mặt trông nghiêng đầy vẻ tinh nghịch, nom như mặt con trai, đôi mắt hơi xếch, thường nheo lại để cố nén vẻ cười cợt, nhưng lúc này lại mở to, dò xét cái chưa biết với vẻ lo ngại và dũng cảm!
Chính cô gái cũng không hiểu rõ rằng nhờ tình yêu vô hạn của cô, cô đã trở thành chỗ dựa tinh thần lớn lao như thế nào với anh. Còn anh, mặc dù bao năm ròng đầy thử thách đã tôi luyện ý chí và tình cảm của anh, anh vẫn mệt mỏi vì phải đảm đương vai trò người thủ trưởng lúc nào cũng sẵn sàng gánh chịu bất cứ trách nhiệm nào về mọi người, về con tàu, về thành công của cuộc thám hiểm. Ở Trái đất, từ lâu đã không còn cái trách nhiệm dồn lên vai một cá nhân như thế nữa: mọi quyết định bao giờ cũng được thông qua trong một nhóm người có sứ mạng thực hiện công việc. Nếu xảy ra chuyện gì đặc biệt thì có thể tìm ngay được một lời khuyên đáng tin cậy, có thể tham khảo ý kiến hết sức tỉ mỉ. Ở đây thì không biết nhờ ai chỉ bảo, vì thế những người chỉ huy tàu vũ trụ có những quyền hạn dặc biệt. Nếu như trách nhiệm đó kéo dài hai ba năm thì còn đỡ, đằng này những mươi mười lăm năm: đó là thời hạn trung bình của chuyến thám hiểm giữa các vì sao!
Éc-gơ No-rơ bước vào Trạm điều khiển trung tâm.
Nhi-da đứng phắt dậy đón gặp anh.
— Tôi đã thu thập tất cả những tài liệu và bản đồ cần thiết — anh nói — chúng ta giao việc này cho máy làm!
Trưởng đoàn thám hiểm vươn dài người trong chiếc ghế bành, thong thả lật những tờ kim loại mỏng, đọc số tọa độ, cường độ của các từ trường, điện trường và trường hấp dẫn[10], công suất các dòng hạt vũ trụ, tốc độ và tỷ trọng các luồng thiên thạch. Nhi-da co rúm người lại vì quá chăm chú và hồi hộp, ấn các nút và quay các cần ngắt của máy tính. Éc-gơ No-rơ nhận được một loạt câu trả lời. Anh cau mày suy nghĩ.
— Trên đường đi của chúng ta, có một trường hấp dẫn mạnh: đấy là khu vực tích tụ một chất tối trong chòm sao Thần nông, gần ngôi sao 6555-ZR+11PKU — No-rơ nói — Muốn tránh hao phí chất đốt thì nên đi chệch về phía này, phía chòm sao Thiên-xà. Thuở xưa, khi khi bay không dùng động cơ, người ta lợi dụng các trường hấp dẫn để lấy gia tốc bằng cách men theo rìa các trường đó…